Thứ 6, 16/05/2025, 22:52[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về các dự án luật, nghị quyết

Thứ 6, 16/05/2025 | 15:15:39
564 lượt xem
Sáng 16/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Phát biểu thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc ban hành dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; cho rằng, điều này là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng tại các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng thực tế cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân còn gặp phải nhiều rào cản, bất cập cần được tháo gỡ để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Các đại biểu đánh giá, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được chuẩn bị rất khẩn trương để xây dựng các cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, đã đề ra nhiều nội dung mang tính đột phá, để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ kinh tế tư nhân tiếp cận với đất đai, tài chính, tín dụng, hỗ trợ về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; qua đó khẳng định, các cơ chế, chính sách sẽ tạo động lực để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Quan tâm đến đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xác định đối tượng phải được rà soát theo quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác định đầy đủ đối tượng và vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng tham gia được hưởng chính sách.

Cùng với cơ chế đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, một số đại biểu đề nghị cần thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; bảo vệ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Buổi chiều, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

Vũ Sơn Tùng

(Phó Chánh Văn phòng)