Thứ 6, 02/05/2025, 17:50[GMT+7]

Người thầy 4.0

Thứ 6, 02/05/2025 | 06:20:39
401 lượt xem
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, ngành giáo dục cũng không nằm ngoài guồng quay đổi thay ấy. Vai trò của người thầy vì thế không còn chỉ là người “truyền thụ kiến thức”, mà trở thành “người dẫn đường” - truyền cảm hứng, khơi dậy tư duy, định hướng nhân cách cho thế hệ trẻ. Người thầy thời đại mới - người thầy 4.0 - là biểu tượng của sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt và thích ứng với thời đại.

Ngọn hải đăng 

Những ngày qua, khi các diễn đàn, mạng xã hội sôi nổi bàn luận về các chủ đề thời sự như hợp nhất tỉnh, quy định dạy thêm, học thêm..., không ít học sinh cũng bày tỏ ý kiến, đặt câu hỏi cho thầy cô giáo. Điều đáng ghi nhận là các em có nhu cầu tìm hiểu, mong muốn được lắng nghe quan điểm từ những người mà mình tin tưởng. Thầy giáo Nguyễn Thành Công, Trường THPT Tây Tiền Hải chia sẻ: Tôi thường giải thích cho học sinh hiểu bản chất vấn đề, bởi nhiều khi các em bị cuốn theo tâm lý đám đông, chưa kịp nhìn nhận đa chiều. Qua đó, tôi cũng khơi gợi cho các em thái độ tôn trọng đối với những người làm khoa học, người lãnh đạo. Quan trọng là giúp các em có tư duy phản biện, biết chọn lọc thông tin, hiểu sâu thay vì chỉ hùa theo số đông. 

Từ một góc nhìn khác, cô Vũ Thị Hồng Nhung, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Phụ Dực cho rằng: Học sinh ngày nay tiếp cận mạng xã hội từ rất sớm, các em nhạy cảm với thời sự và có nhu cầu tìm hiểu thông tin. Là giáo viên, tôi thấy mình cần bản lĩnh để trả lời các em. Với những vấn đề phức tạp, chưa phù hợp với độ tuổi, tôi sẽ định hướng để các em tạm gác lại, đợi thêm trải nghiệm, thêm vốn sống. Còn nếu là điều có thể giúp ích cho nhận thức, phát triển kỹ năng, tôi luôn khuyến khích các em đào sâu tìm hiểu. 

Sự thấu hiểu và tinh tế là điều không thể thiếu ở một người thầy thời đại mới. Giáo viên thời đại số đồng hành cùng học sinh cả trên lớp học lẫn không gian mạng - nơi các em chia sẻ tâm tư, sở thích. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh cho biết: Mạng xã hội, nếu sử dụng đúng cách, sẽ trở thành kênh kết nối hữu hiệu giữa giáo viên và học sinh. Nhiều nhóm học tập, trao đổi bài vở được thành lập, trong đó cô và trò cùng tham gia thảo luận. Tôi theo dõi kín đáo, chỉ góp ý nhẹ nhàng khi cần. Việc “gỡ rối” cho học sinh, nhất là chuyện tâm lý tuổi mới lớn, cũng cần khéo léo - nói như một người bạn để các em thấy được chia sẻ chứ không phải bị giám sát. 

Người thầy 4.0 vừa là người truyền cảm hứng vừa là người bạn đồng hành, vừa là chỗ dựa tinh thần. Thầy cô không chỉ “lên lớp” trong một giờ học cố định mà hiện diện trong cả những phút giây đời thường, khi học trò bối rối, cần một lời khuyên. Trong thế giới công nghệ không ngừng biến động, chính phẩm chất nhân văn, sự yêu nghề và thấu hiểu học trò đã giúp người thầy trở thành “ngọn hải đăng” - soi đường, dẫn lối, bền bỉ và đầy yêu thương. 

Tại nhiều trường học, các tiết học được ứng dụng công nghệ số - minh chứng cho sự đổi mới trong giảng dạy, phát huy vai trò của giáo viên trong thời đại 4.0.

Nâng cao kiến thức mỗi ngày 

Để phục vụ cho công tác giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Quyên, Trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh (Hưng Hà) đã tự học đồ họa cơ bản để thiết kế các trò chơi, bài giảng sinh động. Cô giáo Quyên cho biết: Các hiệu ứng trong phần mềm PowerPoint giờ đây không còn hấp dẫn học sinh như trước nữa. Vì vậy, tôi chủ động học thêm các kỹ năng thiết kế để học sinh vừa học vừa tương tác với giáo viên, chủ động ghi nhớ, vận dụng kiến thức. 

Học sinh hiện nay không còn xa lạ với các công cụ tin học. Nhiều em từ 12 - 13 tuổi đã sử dụng thành thạo Word, PowerPoint, biết cách tạo ra các bài thuyết trình hấp dẫn. Trước sự phát triển đó, giáo viên buộc phải liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức để bài giảng không bị nhàm chán, lạc hậu. Em Cao Thị Thu Hà, học sinh Trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh (Hưng Hà) cho biết: Em thấy bây giờ các thầy cô dạy rất sáng tạo, không chỉ đọc, chép như trước mà còn cho chúng em xem video, chơi trò chơi, làm bài tập tương tác trên máy tính. Có thầy cô còn hướng dẫn chúng em tìm tài liệu trên mạng, giúp bọn em học được cách tự tìm hiểu kiến thức. Việc học trở nên thú vị hơn. 

Thầy giáo Đào Quốc Lập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quỳnh Phụ chia sẻ: Ngoài kiến thức theo chương trình, tôi luôn cố gắng mở rộng bài học bằng cách lồng ghép thời sự, văn hóa, lịch sử, qua các bài báo, tư liệu trên mạng. Khi dạy về tinh thần dân tộc, tôi lấy hình ảnh đoàn kết trong mùa bão lũ, hay những khoảnh khắc đẹp trong các ngày lễ, kỷ niệm lớn như ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc khánh (2/9) để các em thấy tự hào về đất nước. Thầy Lập cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kỹ năng để nhận định đúng thông tin trên mạng xã hội và truyền tải tới học sinh một cách có chọn lọc, khoa học. Còn cô giáo Nguyễn Thị Hường, Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo thì cho rằng: Hàng ngày, học sinh không chỉ học thông qua bài giảng trên lớp. Nhiều em sẽ tự học kiến thức từ những website chuyên về giáo dục ở trên mạng. Vì vậy, một số học sinh có tư chất, sẽ tự học trước, học vượt, thậm chí mở rộng kiến thức. Các thầy cô giáo phụ trách bất cứ bộ môn nào cũng cần trau dồi kiến thức hàng ngày. Tôi đã từng dạy những học trò vô cùng nỗ lực. Các em liên tục mở rộng kiến thức bằng cách đọc các cuốn sách văn học, tâm lý, khoa học miễn phí ở trên mạng. Ngoài ra, các em còn thích đọc các bài báo hay, bài bình luận của những chuyên gia, để làm nguồn tư liệu cho bài học trên lớp. Một số vấn đề khó, thuật ngữ chuyên ngành chưa hiểu rõ, các em sẽ đến lớp trao đổi với giáo viên. Cho nên, chính chúng tôi phải tự học rất nhiều để giải đáp thắc mắc, định hướng các em trong hành trình học tập. 

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 72 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm khoảng 73% dân số. Trong đó, 82% trẻ em từ 12 - 13 tuổi và 93% từ 14 - 15 tuổi sử dụng internet hàng ngày. Những con số này cho thấy công nghệ thông tin đang ảnh hưởng sâu rộng tới môi trường giáo dục. Học sinh không còn phụ thuộc hoàn toàn vào bảng đen, phấn trắng hay chỉ nghe giảng đơn thuần từ thầy cô. Thầy cô không còn là “kênh duy nhất” trao tri thức, mà là người định hướng, dẫn dắt học trò tìm tòi, khám phá trong không gian số với vô vàn nguồn thông tin đa chiều. 

Theo bà Hà Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Người thầy trong thời đại mới không chỉ cần giỏi chuyên môn mà còn phải khai thác hiệu quả các kho tài liệu, học liệu số trong quá trình xây dựng giáo án, bài giảng điện tử. Phương pháp và hình thức dạy học cần được đổi mới linh hoạt, kết hợp giữa lớp học trực tiếp và trực tuyến, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Giáo viên cũng cần tận dụng không gian mạng để hỗ trợ học sinh từ xa, nhất là trong các hoạt động như tư vấn tâm lý học đường, công tác xã hội trong trường học. Khuyến khích học sinh chủ động ứng dụng thành tựu chuyển đổi số trong học tập cả trong và ngoài nhà trường là xu hướng tất yếu. Cùng với đó, giáo viên cần hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả tài nguyên giáo dục mở, thư viện điện tử, thư viện xanh... qua đó góp phần xây dựng môi trường học tập hiện đại, thân thiện, kết nối liên tục giữa học sinh - thầy cô - tri thức số.

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Thái Bình).

Xuân Phương