Chủ nhật, 04/05/2025, 10:47[GMT+7]

50 năm ngày thống nhất đất nước: Nhìn lại hành trình của bóng đá Việt Nam

Thứ 7, 03/05/2025 | 20:46:03
786 lượt xem
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, hãy cùng nhìn lại hành trình phát triển của bóng đá Việt Nam, một biểu tượng kết nối và lan tỏa tinh thần dân tộc qua từng giai đoạn lịch sử.

Trận cầu Thống Nhất – dấu mốc lịch sử

Sau ngày 30/4/1975, đất nước bước vào thời kỳ tái thiết. Bóng đá, môn thể thao được yêu thích ở cả hai miền, trở thành cầu nối ý nghĩa. Năm 1976, đội Tổng cục Đường sắt đại diện miền bắc vào nam thi đấu với Cảng Sài Gòn - biểu tượng bóng đá phương nam trên sân Thống Nhất trong trận cầu lịch sử diễn ra vào ngày 7/11.

Trên sân Thống Nhất chật kín hơn 30.000 khán giả, Tổng cục Đường sắt giành chiến thắng 2-0 nhờ các pha lập công của Mai Đức Chung và Lê Thụy Hải. Điều đặc biệt hơn, rất nhiều con người của trận đấu đó sau này là chứng nhân của lịch sử bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam.

Trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang đã đưa Cảng Sài Gòn vô địch Việt Nam năm 1986, chức vô địch đầu tiên của bóng đá phía nam. Danh thủ Lê Thụy Hải là người đầu tiên vô địch Việt Nam trên tư cách cầu thủ và huấn luyện viên, còn ông Mai Đức Chung đã trở thành huyền thoại khi đưa đội tuyển nữ Việt Nam dự vòng chung kết World Cup nữ 2023.

Cựu cầu thủ Mai Đức Chung tái ngộ trong trận giao hữu sau 40 năm trên sân vận động Thống Nhất giữa Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn. (Ảnh: HOÀNG TÙNG) 

Hội nhập khu vực: Gian nan ngày trở lại

Năm 1991, bóng đá Việt Nam đánh dấu bước hội nhập trở lại khu vực Đông Nam Á khi lần đầu tham dự SEA Games 16 tại Philippines. Trong lần đầu trở lại đấu trường quốc tế sau thời gian dài vắng bóng, đội tuyển gặp vô vàn khó khăn. Điều kiện tập luyện sơ sài tại Nhổn, trang thiết bị thiếu thốn, tiêu chuẩn dinh dưỡng thấp, khí hậu khắc nghiệt, và cả sự cô lập giữa vùng đồng không mông quạnh.

“Ở Nhổn ngày ấy, sau buổi tập chỉ biết vỗ muỗi, đi ra đi vào...”, cựu tiền đạo Nguyễn Văn Dũng nhớ lại. Khi sang Philippines, các cầu thủ chỉ được phát 3 USD tiêu vặt mỗi ngày, 2 đôi giày (1 tập, 1 thi đấu) và lần đầu biết đến buffet, bỡ ngỡ như những đứa trẻ.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, mâu thuẫn nội bộ bùng phát khiến 11 tuyển thủ rời đội, để lại nỗi tiếc nuối lớn. Huấn luyện viên Nguyễn Sĩ Hiển sau này thừa nhận: "Không ai đồng tình với việc chối bỏ nghĩa vụ quốc gia của 11 cầu thủ này. Nhưng nói đi thì phải nói lại, họ cũng có cái lý của mình khi bỏ về".

Dù được bổ sung lực lượng nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn không thể vượt qua vòng bảng khi hòa Philippines 2-2, thua Indonesia 0-1 và Malaysia 1-2. SEA Games 1991 khép lại đầy trăn trở, nhưng đó là bước đầu tiên quan trọng trên hành trình hội nhập và phát triển bóng đá nước nhà.

Những cột mốc đầu tiên


Đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2018. (Ảnh: ANH KHOA) 

Từ chiếc Huy chương Bạc SEA Games 1995 tại Chiang Mai đến ngôi á quân Tiger Cup 1998, bóng đá Việt Nam dần khẳng định vị thế. Năm 2000 đã đánh dấu bước ngoặt với bóng đá Việt Nam khi Giải vô địch quốc gia bắt đầu hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp và được đổi tên thành V-League. Gần một thập kỷ sau, đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên giành chức vô địch Đông Nam Á 2008 với cú đánh đầu lịch sử của Lê Công Vinh.

Những năm gần đây, bóng đá Việt Nam tiếp tục thăng hoa với giải đấu vô địch bóng đá U23 châu Á 2018 tại Thường Châu, cùng thế hệ vàng của những Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng... góp phần nâng tầm vị thế bóng đá nước nhà tại đấu trường quốc tế.

Bóng đá nữ và những bước tiến lịch sử

Không thể không nhắc đến bóng đá nữ, niềm tự hào của thể thao Việt Nam. Từ những năm đầu còn thiếu thốn đủ bề, đội tuyển nữ quốc gia đã vươn lên mạnh mẽ, giành nhiều chức vô địch Đông Nam Á, SEA Games, và đỉnh cao là lần đầu tiên góp mặt tại vòng chung kết World Cup nữ 2023.

Dưới sự dẫn dắt tận tụy của huấn luyện viên Mai Đức Chung, người có mặt trong “trận cầu Thống Nhất” năm xưa, bóng đá nữ Việt Nam viết nên chương mới cho lịch sử thể thao nước nhà.

Dấu ấn World Cup và giấc mơ vươn xa

Không chỉ ở đấu trường khu vực, bóng đá Việt Nam từng gây tiếng vang tại sân chơi châu lục và thế giới. Đội tuyển Olympic Việt Nam từng vào đến bán kết ASIAD 2018, thi đấu ấn tượng trước các đối thủ mạnh. Lứa cầu thủ trẻ liên tiếp góp mặt tại các vòng chung kết U20, U23 châu Á. Thậm chí, đội tuyển U20 Việt Nam từng giành vé tham dự Vòng chung kết U20 World Cup 2017.

Hay mới đây, đội tuyển U17 Việt Nam từng khiến truyền thông châu Á sửng sốt khi bất bại trước ba đại diện hàng đầu châu lục tại U17 châu Á 2024 gồm Nhật Bản, Australia và UAE. Đáng tiếc thay, đoàn quân được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Cristiano Roland đã không thể giành vé tham dự Vòng chung kết U17 World Cup 2025 dù bất bại cả ba trận.

Những kiến trúc sư thầm lặng

Phía sau mỗi thành công vang dội của bóng đá Việt Nam là dấu ấn không thể phai mờ của những người thầy tận tụy. Huấn luyện viên Mai Đức Chung, người chứng kiến gần như trọn vẹn hành trình bóng đá nước nhà sau thống nhất đã đưa đội tuyển nữ Việt Nam đến sân chơi World Cup nữ 2023.

Trong khi đó, huấn luyện viên Park Hang Seo đã tạo ra “Cơn địa chấn” với bóng đá nam khi giành ngôi Á quân U23 châu Á 2018, vô địch AFF Cup 2018, vào tới vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Cả hai nhà cầm quân này không chỉ giành chiến thắng, vinh quang cho bóng đá Việt Nam, mà còn thắp lên tinh thần, niềm tin và khát vọng cho cả một thế hệ cầu thủ và người hâm mộ.

Tiếp nhận di sản từ người tiền nhiệm Park Hang Seo và những đóng góp thầm lặng từ ông Philippe Troussier, huấn luyện viên Kim Sang Sik đã giúp đội tuyển Việt Nam có lần thứ ba lên ngôi vô địch Đông Nam Á với chức vô địch ASEAN Cup 2024 khi đánh bại đại kình địch Thái Lan ở cả hai lượt trận. Danh hiệu này có thể là bệ phóng giúp bóng đá Việt Nam trở lại, tiếp tục hướng đến những mục tiêu cao hơn tại đấu trường châu lục.

Hướng tới tương lai

50 năm sau ngày non sông liền một dải, bóng đá Việt Nam đã đi một chặng đường dài, từ những sân bóng đất đỏ, điều kiện thiếu thốn, đến các đấu trường quốc tế. Thành công hôm nay là kết tinh từ khát vọng, ý chí, và niềm tin bền bỉ của nhiều thế hệ.

Và hành trình ấy vẫn đang tiếp tục, với giấc mơ World Cup, với mục tiêu vươn xa hơn trong khu vực và thế giới. Bóng đá cũng như đất nước, chưa bao giờ ngừng khát khao vươn mình ra biển lớn. Dẫu vậy, sự phát triển của bóng đá nước nhà cần sự đồng lòng của người hâm mộ, các nhà đầu tư có tầm nhìn, các ông bầu đam mê bóng đá và những “mạnh thường quân” thầm lặng.

Theo: nhandan.vn

  • Từ khóa