Nhạc sĩ Phạm Tuyên và những ca khúc ghi dấu lịch sử
Ngược dòng thời gian từ 1975 về trước, tháng 12-1972 là thời điểm nhạc sĩ Phạm Tuyên viết khúc tráng ca “Hà Nội - Điện Biên Phủ” - bài ca như một tuyên ngôn với thế giới về một Hà Nội bất khuất kiên cường. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ gian khổ, những bài hát của ông như “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Yêu biết mấy những con đường”, “Bám biển quê hương”... đã theo bước chân những người lính Cụ Hồ, là hành trang, là nguồn cổ vũ họ có thêm niềm tin và động lực trong cuộc chiến đấu.
Và không thể không nhắc đến chùm ca khúc nhạc sĩ Phạm Tuyên viết về Đảng, những sáng tác của một người gắn bó cả cuộc đời mình với nhân dân, với đất nước, luôn phấn đấu vươn tới lý tưởng cao đẹp. Năm 1950, chàng trai 20 tuổi Phạm Tuyên tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn và được điều về làm đại đội trưởng Trường Thiếu sinh quân Việt Nam, nơi học tập và rèn luyện của các em “thiếu nhi mặc áo lính”. Bằng sự phấn đấu vượt bậc, Phạm Tuyên trở thành một tấm gương để đồng đội, các học sinh noi theo và đã được đồng chí Lê Chiêu, Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu kết nạp vào Đảng đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7-1950. Đó là một thời điểm rất đặc biệt khi thầy giáo Phạm Tuyên đang đứng trong lớp giảng bài thì máy bay giặc Pháp đến ném bom. Ông hướng dẫn học sinh xuống hầm ẩn nấp và đã bị thương, mảnh bom găm vào người, máu chảy lênh láng.
Nhạc sĩ từng tâm sự: “Những ngày đầu kháng chiến, sự giác ngộ về chủ nghĩa Cộng sản chủ yếu qua một số tài liệu ít ỏi, hầu hết bằng tiếng Pháp mà một số đồng chí đảng viên chuyển cho tôi xem. Nhưng tỏa sáng trong tôi đó là tấm gương hy sinh quên mình cho một lý tưởng cao đẹp của các chiến sĩ cộng sản. Trong khói lửa chiến tranh nơi nào ác liệt nhất có đảng viên. Tôi nguyện phấn đấu theo những gương sáng ấy”.
Bài hát đầu tiên Phạm Tuyên viết về Đảng là bài “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” (1959). Đó là một khúc tự sự được chắp lời từ những câu thơ của Louis Aragon (nhà thơ Cộng sản Pháp), do Tố Hữu dịch. Bài hát có âm hưởng vừa hào hùng, vừa trữ tình, thiết tha, thành kính, trải dài một niềm tin vào lý tưởng cộng sản. Đây không phải là một ca khúc quần chúng dễ hát mà là ca khúc mang tính kinh điển cả về phần nhạc và lời, thế nhưng nó lại khá phổ biến trong các tầng lớp thanh niên, sinh viên thời bấy giờ, có lẽ vì bài ca nói lên được nỗi lòng của lứa trí thức trẻ.
Trong những ngày hòa bình đầu tiên trên miền Bắc, mùa xuân năm 1960, nhạc sĩ viết bài “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân” dựa trên ý của Paul Vaillant Couturier, một chiến sĩ cộng sản Pháp: “Chủ nghĩa cộng sản là tuổi thanh xuân của thế giới”. Bài hát vừa ra đời đã lập tức được lan tỏa mạnh mẽ, đã thấm vào đời sống trong trẻo và hồn hậu, hòa quyện với khát vọng mùa xuân và niềm tin đối với Đảng của quần chúng nhân dân. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha từng kể: Khi còn trong quân ngũ, hành quân từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, tối đến nghỉ lại ở một lán nhỏ thuộc đất Lào, tình cờ ông gặp một đơn vị bộ đội ta giải một toán tù binh ngụy cũng đang trú chân ở đấy. Đêm hôm đó một cuộc liên hoan văn nghệ diễn ra quanh đống lửa rừng, các chiến sĩ của ta hát vang ca khúc “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân” khiến ngay cả toán tù binh ngụy cũng ngỡ ngàng, cảm kích.
Rất nhiều nghệ sĩ đã xúc động và được tạo cảm hứng sáng tạo khi nghe những ca khúc viết về Đảng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Chẳng hạn trường hợp của họa sĩ khiếm thị Lê Duy Ứng, một họa sĩ thương binh, nổi tiếng với những bức họa và điêu khắc về Bác Hồ. Lê Duy Ứng bị thương dẫn đến mù cả hai mắt ngay trước cửa ngõ Sài Gòn trong ngày miền Nam được giải phóng. Trong một bức thư gửi nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông đã bộc lộ lòng ái mộ: “Nghe nhạc của anh, tự nhiên tôi thấy bừng ánh lên nhiều màu sắc của cuộc sống!”.
Cuối thập kỷ 70 đến đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đất nước ta rơi vào một thời kỳ khủng hoảng với những hậu quả của chiến tranh nặng nề, những khó khăn thiếu thốn chồng chất, những non yếu trong kinh nghiệm lãnh đạo từ thời chiến chuyển sang thời bình, sự lỗi thời của cơ chế bao cấp, rồi một số cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất làm mất lòng tin ở nhiều người dân đối với Đảng, với cách mạng... Vào lúc ấy, năm 1979, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận được một bài thơ lục bát của nhạc sĩ, nhà thơ Diệp Minh Tuyền, thể hiện sự suy tư, tấm lòng chân tình đối với Đảng: “Hồng như màu của bình minh/ Đỏ như màu máu của mình, tim ơi/ Búa liềm vàng rực giữa trời/ Là niềm hy vọng chói ngời tim ta...”. Và thế là nhạc sĩ Phạm Tuyên bắt tay vào phổ nhạc để những lời ca ấy cất lên, tạo thêm niềm tin cho người dân trong những thời khắc khó khăn, vững bước đi tiếp. Ca khúc “Màu cờ tôi yêu” với âm hưởng thiết tha, tươi sáng, có sức lay động tâm hồn người nghe, góp phần khơi dậy tình yêu và niềm tin của người dân đối với Đảng.
Năm 2025 với nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước, cũng là năm nhạc sĩ Phạm Tuyên tròn 95 năm tuổi đời và nhận danh hiệu 75 năm tuổi Đảng cao quý. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn theo dõi thông tin qua truyền hình, phát thanh, báo chí... với niềm hy vọng đất nước sẽ vươn mình đón nhận những vận hội mới, đời sống của người dân càng ngày tốt hơn, no ấm và thịnh vượng. Và ca khúc để đời của ông - “Như có Bác trong ngày đại thắng”, ra đời cách đây đúng 50 năm, cho đến hôm nay vẫn luôn là lời khẳng định về niềm tự hào dân tộc, về sức mạnh Việt Nam - Hồ Chí Minh với toàn thế giới.
Theo hanoimoi.com.vn
Tin cùng chuyên mục
- Phật tử khắp nơi đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm cung rước Xá lợi Đức Phật 14.05.2025 | 08:28 AM
- Làng quê thu nhỏ qua từng góc tiểu cảnh 25.03.2025 | 15:07 PM
- Đưa múa rối nước đến gần hơn với thế hệ trẻ 16.03.2025 | 09:59 AM
- Mâm cúng Thần Tài 2025 gồm những gì? 07.02.2025 | 08:43 AM
- Đưa học sinh trở về với tết cổ truyền 26.01.2025 | 09:39 AM
- Táo quân 2025 sẽ đến trong đêm Giao thừa năm nay! 26.12.2024 | 10:56 AM
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
Xem tin theo ngày
-
UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả