Thứ 7, 05/04/2025, 02:09[GMT+7]

Thị trấn Diêm Điền: Phát triển kinh tế biển

Thứ 5, 03/04/2025 | 10:30:28
1,032 lượt xem
Thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) có cảng cá Tân Sơn và các tuyến giao thông đường bộ quan trọng như quốc lộ 37, quốc lộ 39, tuyến đường bộ ven biển đi qua kết nối giao thương với các địa phương lân cận. Phát huy lợi thế đó, thị trấn đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.

Cảng cá Tân Sơn tấp nập người mua bán.

Những ngày đầu tháng 4, tại cảng cá Tân Sơn, nhiều tàu thuyền đang chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm cho chuyến ra khơi. Vừa cập bến sau chuyến đi biển, chủ tàu Đinh Xuân Hùng cùng các thuyền viên cho biết, trong chuyến biển này tàu của anh đi 3 ngày. Từ đầu năm đến nay, tàu đi được hơn 10 chuyến, mỗi chuyến 2 - 3 ngày tùy vào thời tiết và ngư trường. Có kinh nghiệm đi biển hơn 20 năm, ngư cụ bảo đảm nên có những chuyến đi biển gặp luồng cá thu hoạch được hơn 20 tấn hải sản. Anh Hùng tâm sự: Đôi tàu công suất 420CV là gia tài gần 30 năm chắt chiu của gia đình hai thế hệ đi biển. Từ con tàu công suất 30CV được bố mẹ giao cho, tôi đã gom góp nâng lên từng bước với tàu 90CV. Đến năm 2015, nhận thấy ngư trường ngày một bó hẹp, muốn làm ăn lớn, hiệu quả cao phải đóng tàu lớn, tôi đã vay mượn ngân hàng, họ hàng, người thân để đóng đôi tàu 420CV. Nghề khai thác xa bờ đã giúp kinh tế gia đình thu nhập khá.

Ông Hoàng Đình Khả, tổ trưởng tổ dân phố số 9, thị trấn Diêm Điền cho biết: Tổ dân phố có 525 hộ dân sinh sống, tất cả đều nhờ biển mà có “của ăn của để”, xây dựng nhà cửa khang trang như ngày hôm nay. Trai tráng trẻ khỏe thì lên tàu vượt sóng ra khơi, trực tiếp đi đánh bắt cá tôm; phụ nữ thì lo việc hậu cần hoặc chế biến hải sản sau đánh bắt. Nhiều người làm giàu từ nghề biển, mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng đóng tàu công suất lớn, khai thác dài ngày trên biển như ông Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Văn Hưng... nhiều chuyến vươn khơi thu nhập hơn trăm triệu đồng. Tổ dân phố chỉ còn 12 hộ nghèo và cận nghèo, đây là những hộ già neo đơn, khuyết tật, không đủ sức lao động, còn lại đều là những hộ trung bình và khá trở lên, thu nhập bình quân hơn 80 triệu đồng/người/năm.

Để khuyến khích ngư dân khai thác tiềm năng, lợi thế ven biển, cấp ủy, chính quyền thị trấn Diêm Điền luôn động viên, hỗ trợ ngư dân. Từ đó, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư mua sắm ngư cụ, tích cực bám biển vươn khơi. Nhờ vậy, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân tăng đều qua các năm. Ông Phạm Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Diêm Điền cho biết: Hiện trên địa bàn có hơn 130 tàu cá duy trì đều đặn nhịp độ sản xuất cả ở vùng khơi, vùng lộng lẫn gần bờ. Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị khai thác thủy sản đạt 160 tỷ đồng; năm 2025 phấn đấu đạt gần 200 tỷ đồng. Để phát huy tiềm năng, lợi thế từ biển, chúng tôi đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và động viên ngư dân chăm lo sản xuất gắn với bảo vệ ngư trường, chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp.

Song song với khai thác, lĩnh vực chế biến thủy sản trên địa bàn thị trấn Diêm Điền cũng phát triển khá. Hiện có hơn 45 hộ, cơ sở kinh doanh, chế biến thủy hải sản với các sản phẩm chính như nước mắm, sứa ăn liền, chả cá, chả tôm, chả mực, moi khô, cá khô... Chị Vũ Thị Thanh, tổ dân phố số 8 - người có thâm niên trong nghề sản xuất nước mắm tại địa phương cho biết: Nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm đã có lịch sử hình thành và phát triển tại địa phương từ rất lâu. Để có được các sản phẩm bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm thì phải bảo đảm ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu. Nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm là các loại cá nục, cá cơm, cá thu, cá nhâm. Mỗi loại cá làm nước mắm có một hương vị riêng, trung bình 1 tấn cá sản xuất được hơn 200 lít nước mắm. Nước mắm truyền thống của gia đình có đặc trưng là độ mặn cao, không sử dụng phụ gia, hóa chất nên bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, luôn đạt từ 15 - 25% độ đạm. Cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/ tháng. Ngoài sản xuất nước mắm, tôi thu mua các loại thủy sản như tôm tươi, mực tươi, cá thu, sứa, cá chim trắng, cá song... để sơ chế bán đông lạnh.

Ông Nguyễn Huy Phóng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Diêm Điền cho biết: Phát triển kinh tế biển luôn được địa phương quan tâm. Bởi ngoài thu hút, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, với mức thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/người/tháng còn góp phần phát triển kinh tế hộ. Nhiều hộ làm nghề chế biến, kinh doanh hải sản và hộ tham gia khai thác đều có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, thậm chí có hộ thu nhập tiền tỷ. Đặc biệt, do nhu cầu vận chuyển bằng đường biển ngày một tăng cao, phát huy lợi thế là địa phương ven biển, thị trấn Diêm Điền có các doanh nghiệp như Công ty TNHH Xuân Trường, Công ty TNHH Công Vinh... phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa và quốc tế. Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân vươn khơi khai thác; thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; tạo điều kiện cho các hộ chế biến thủy sản tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thị trấn Diêm Điền đã và đang được đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; nhiều dự án lớn được triển khai như khu công nghiệp Liên Hà Thái, đường trục Khu kinh tế, dự án khu tái định cư OĐT 14A, dự án đường quy hoạch số 2 và số 5 của huyện, dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH.94... Địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố để kinh tế biển phát triển, xây dựng thị trấn Diêm Điền trở thành đô thị ven biển văn minh, hiện đại xứng tầm trong Khu kinh tế Thái Bình.

Thị trấn Diêm Điền có hơn 45 hộ, cơ sở kinh doanh, chế biến thủy sản.

Nguyễn Thắm