Đặc sắc những trình thức diễn xướng dân gian và tục đua tài thi khéo
Sôi nổi hội thi gói bánh chưng tại lễ hội đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà).
Thuở trước, các trình thức diễn xướng dân gian và đua tài thi khéo thường được diễn ra ở các hội làng. Về các tục đua tài thi khéo mang tính phổ biến như vật, võ, chọi gà, thi đấu tổ tôm điếm, cờ người, kéo co, bắt vịt, đập niêu, bắt chạch trong chum... dường như trước đây ở hội làng nào cũng có. Ngoài ra còn có một số trình thức diễn xướng dân gian hoặc những tục đua tài thi khéo đặc sắc vừa mang tính thượng võ vừa phải đầu tư nhiều công sức chỉ diễn ra ở một hoặc một vài hội làng lớn.
Hội làng ở Thái Bình với một dung lượng khá phong phú, dường như có đủ mọi loại hình và ở loại hình nào cũng có thể tìm được những hội đặc sắc, hấp dẫn. Dù là lễ hội tôn giáo hay lễ hội lịch sử thì các sắc thái lễ hội nông nghiệp vẫn mang tính bao trùm, hay nói cho đúng hơn các nghi thức tôn giáo trong lễ hội tôn giáo và các hình thức diễn xướng mô phỏng lịch sử đều mang đậm sắc thái nông nghiệp. Ví như các động tác mô phỏng guộn chỉ, quay tơ, kéo sợi trong múa bát dật tại hội làng Lộng Khê (Quỳnh Phụ) hoặc các động tác múa mô phỏng vạt tôm, vạt tép, chèo đò trong tục múa giáo cờ giáo quạt ở hội làng Thượng Liệt (Đông Hưng); múa ếch vồ và múa chèo chải cạn ở hội chùa Keo (Vũ Thư); tục thi cỗ cá ở hội đền Trần (Hưng Hà); tục gói bánh chưng ở hội làng Đông Linh (Quỳnh Phụ); tục giã bánh giày ở hội đền A Sào (Quỳnh Phụ)...
Cư dân Thái Bình ngày nay vốn có gốc gác từ sự hội tụ các luồng cư dân kéo theo những tập tục tứ xứ về. Có thể là, tục múa ông Đùng bà Đà trong hội làng Quang Lang, tục múa bệt đuổi hổ trong hội làng Vọng Lỗ do một nhóm cư dân ở vùng núi hoặc trung du xuống khai phá vùng đồng bằng đã mang theo, nhưng những tập tục đó đã được Thái Bình hóa theo sắc thái của cư dân đồng bằng trồng lúa nước và đánh bắt cá hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm. Bản thần tích còn lưu được tại miếu Ba Thôn, làng Quang Lang (Thái Thụy) được soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) có ghi rõ tục làm ông Đùng bà Đà ở trang Quang Lang. Như vậy, chí ít tục này đã duy trì ở đây hơn 400 năm. Tục múa bệt đuổi hổ ở hội làng Vọng Lỗ cũng khác với tục múa bệt ở Hải Dương cả về nguồn gốc và quá trình diễn xướng...
So với một số tỉnh trong khu vực thì Thái Bình còn duy trì nhiều hội làng hơn. Điều này có thể lý giải được bởi từ truyền thống đến hiện tại, Thái Bình vẫn được xem là một tỉnh nông nghiệp điển hình. Khi lễ hội truyền thống bùng nổ vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XX thì xấp xỉ 90% dân số Thái Bình sống trong khu vực nông thôn nông nghiệp. Một trong những điều kiện để phục hồi được hội làng là phải còn thiết chế tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu... Thái Bình hiện còn gần 3.000 thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo vốn là nơi tổ chức hội làng thuở trước, nay do nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng thông thoáng, cởi mở hơn là lễ hội “đồng khởi” phục hồi và các trò chơi, trò diễn dân gian như thi pháo đất, thi bắt chạch, thi thả đèn trời, thi nấu cơm, thả diều... lại có cơ hội được khôi phục và chấn hưng. Qua hơn 500 hội làng ở Thái Bình đã khôi phục được hơn 30 tục thi mang đậm sắc thái văn hóa nông nghiệp. Ngoài các tục thi trình nghề như dệt chiếu, dệt vải, xe đay, làm go, làm bánh, làm bún còn có các trò đua tài giải trí như vật cầu, vật ống, bơi chải, bắt chạch, bắt vịt, thả diều, pháo đất, kéo lửa nấu cơm...
Thuở xưa ở những hội lớn ở Thái Bình là niềm vui của khách trảy hội với quang cảnh “sáng rối tối chèo”. Ngoài tính phổ biến “sáng rối tối chèo” của nhiều hội, mỗi hội lại có những tục thi riêng gắn với huyền thoại về sự tích, hành trạng của vị thần được thờ và những điệu múa dân gian gắn với nghi thức tín ngưỡng.
Trong số những hội làng ở Thái Bình đã khôi phục, có tới gần 20 điệu múa dân gian được duy trì ở các hội. Có những điệu múa mang tính phổ biến trong nhiều hội như múa trống trắc, múa sênh tiền mõ lộn, múa lân, múa phượng, múa tứ linh, múa cờ, múa rồng... còn có những điệu múa chỉ trong nghi thức tế Thánh ở một số hội như múa quạt, múa đèn, múa dâng hương dâng hoa, múa chèo đò, múa kéo chữ. Có những điệu múa cổ chỉ gắn với nghi lễ trong một hội, gắn với truyền thuyết về vị thần của làng thờ. Ví dụ các điệu múa ông Đùng bà Đà, múa bệt, múa ếch vồ, múa chèo chải cạn, múa bát dật, múa giáo cờ giáo quạt...
Theo khảo sát, thuở trước trong nhiều hội làng có tục đua chải như hội chùa Keo, hội làng Cọi (Vũ Thư), hội Đồng Xâm, hội Lại Trì (Kiến Xương), hội đền Thuận Nghĩa (Thái Thụy), hội đình Cổ Trai, hội đền Tiên La (Hưng Hà), hội đền Đồng Bằng, hội đền Đợi (Quỳnh Phụ)... Cùng với tục rước nước của hội nhiều làng ven sông, ven biển, tục đua chải của các hội làng ở Thái Bình làm đậm thêm sắc thái lễ hội truyền thống của một vùng sông nước.
Tuy Thái Bình là tỉnh còn duy trì khá nhiều lễ hội truyền thống nhưng có một số hội đã mai một hẳn, như hội Lơ làng Cọi (Vũ Thư) với tục tung kén, hội làng Vũ Lăng (Tiền Hải) với tục chọi trâu, hội làng Tống Văn (thành phố Thái Bình) với tục thờ thần gắp phân... Có nhiều hội được mở lại nhưng nhiều trò chơi, trò diễn, trò đua tài và nhiều tục lệ không còn khả năng khôi phục. Ví dụ tục thi lợn lềnh ở nhiều hội, tục múa chai ở hội làng Phương Công (Tiền Hải), múa đèn ở hội làng Động Trung (Kiến Xương), tục hát trò nhời ở một số hội làng thuộc huyện Đông Hưng, tục hát ống ở hội làng một số làng ven sông Hóa, sông Luộc, tục hát đò đưa ở một số làng ven biển Thái Thụy, tục bắt rắn, đuổi hổ, săn chim cuốc ở một số hội làng thuộc huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà...
Ngoài các trình thức diễn xướng dân gian có thể điểm đến một số tục đua tài thi khéo đặc sắc trong các hội làng ở Thái Bình như: thi cỗ chay ở hội làng Lạng, thi kéo lửa nấu cơm ở hội chùa Keo, thi thả diều sáo ở hội làng Sáo Đền (Vũ Thư), thi vật cầu ở hội làng Bích Du, thi đan nong, thi thả chim ở hội làng Vũ Nghị (Thái Thụy), thi dệt chiếu ở hội làng Hới, thi cỗ cá ở hội đền Trần (Hưng Hà), hội làng Tống Vũ (thành phố Thái Bình), hội làng Bạt Trung, hội làng Đa Cốc (Kiến Xương), hội làng Tuộc (Đông Hưng), hội làng Thủ Chính, hội làng Vũ Lăng (Tiền Hải), thi tung cầu ở hội làng Xuân La (Quỳnh Phụ), thi pháo đất ở hội làng Tuộc và một số hội làng thuộc phủ Tiên Hưng (cũ), thi đi kheo ở một số hội làng ven biển Tiền Hải, Thái Thụy...
Có khá nhiều loại hình diễn xướng dân gian và tục đua tài thi khéo trong các hội làng nay đã bị mai một. Nếu khôi phục được sẽ tạo được “thương hiệu” để phát triển du lịch theo xu thế chung của đất nước và của thời đại mới. Đó cũng chính là góp phần đích thực để khẳng định thế mạnh về tiềm lực phát triển du lịch văn hóa ở miền quê Thái Bình.
THS. Nguyễn Thị Tô Lịch
(Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Đưa múa rối nước đến gần hơn với thế hệ trẻ 16.03.2025 | 09:59 AM
- Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Học tập suốt đời” 13.03.2025 | 09:44 AM
- Thành phố: 133 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2024 - 2025 17.12.2024 | 16:12 PM
- Tiền Hải: Khánh thành nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại xã Vân Trường 16.12.2024 | 17:56 PM
- Thành phố: Hơn 400 hộ dân được chi trả tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng 08.11.2024 | 16:16 PM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- Hội thảo khoa học: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh 07.10.2024 | 17:12 PM
- Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 16.09.2024 | 17:13 PM
- Bắt giữ tàu khai thác cát trái phép trên sông Hóa 30.08.2024 | 15:32 PM
Xem tin theo ngày
-
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Uzbekistan Tanzila Narbaeva
- Kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên
- Doanh nghiệp Thái Bình ứng phó thế nào với chính sách thuế quan mới của Mỹ ?
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
- Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy: Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ
- Tổng Bí thư Tô Lâm viếng đồng chí Khamtay Siphandone
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan
- Sinh hoạt chuyên đề "Phát huy tinh thần học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”
- Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam