Phạm Thế Hiển: Người kiên định chủ chiến chống Pháp xâm lược
Từ đường thờ Phạm Thế Hiển tại xã Thụy Phong (Thái Thụy). Ảnh tư liệu
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho học ở làng Luyến Khuyết, năm 25 tuổi Phạm Thế Hiển thi Hương đỗ Cử nhân (1827), năm sau thi Hội và thi Đình đỗ đệ tam giáp Tiến sĩ (1828). Sau khi thi đỗ, ông được bổ dụng làm Tri phủ và sớm bộc lộ là một vị quan có kiến thức toàn diện, giàu phẩm hạnh, được người dân trong bản phủ ngưỡng mộ và được triều đình cất nhắc khá nhanh. Chỉ trong mấy năm vị Tiến sĩ họ Phạm này đã được đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng ở các địa phương, kinh qua nhiều chức vụ cả ngạch văn, ngạch võ ở các bộ suốt 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Năm 1841, Thiệu Trị lên ngôi, Phạm Thế Hiển được vời về Kinh đô Huế giữ chức Hữu Thị lang bộ Hộ kiêm Hữu Thị lang bộ Binh, mấy năm sau lại chuyển sang Hữu Tham tri bộ Hộ. Năm 1847, được chuyển về viện Đô sát giữ chức Phó Đô ngự sử. Cũng vào năm này, khi vua Tự Đức lên ngôi đã bổ nhiệm ông ra giữ chức Tuần phủ Hà Tĩnh, 4 năm sau lại triệu ông về Kinh bổ chức Hữu Tham tri bộ Lễ.
Trải 30 năm ở chốn quan trường (1818 - 1848), Phạm Thế Hiển được các vua triều Nguyễn tin tưởng, đánh giá cao về tài năng, đức độ và thường xuyên cất nhắc vào các vị trí quan trọng. Ông từng được cử làm Khâm sai Hải Dương để điều tra, kết tội bọn quan lại đầu tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, từ Tuần phủ đến Bố chánh, Án sát phạm tội tham nhũng.
Tháng 8 năm Tân Hợi (1851), trong lễ ân ban, vua Tự Đức đã ban khen Phạm Thế Hiển “cảm kích, siêng năng, cẩn thận, cần kíp công việc” và ban thưởng khá hậu. Sau sự kiện này ông được cử làm Tham tán quân thứ Gia Định, ít lâu sau, thăng làm Tuần phủ Gia Định, lại thăng chức Thự Tổng đốc hai tỉnh Gia Định - Biên Hòa, kiêm Tham biện Kinh lược, cùng Thống đốc quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương lo liệu mọi việc trong 6 tỉnh Nam kỳ. Đây là một nhiệm vụ trọng đại và vô cùng nan giải.
Trong các tấu trình về Nam kỳ, Phạm Thế Hiển đã đề xuất nhiều giải pháp như lập đồn điền, khai hoang, củng cố biên cương, huy động sức dân hợp lý. Ông đi kinh lý nhiều nơi, cùng Nguyễn Tri Phương trù tính việc lập đồn điền khai hoang, xây dựng các căn cứ hậu cần bảo đảm tiếp tế cho quân đội khi hữu sự, kết hợp chặt chẽ với kế hoạch bảo vệ lục tỉnh.
Được sự phê chuẩn của triều đình, Kinh lược sứ Nam kỳ Nguyễn Tri Phương cùng Tham biện Phạm Thế Hiển và Tổng đốc An Hà (An Giang - Hà Tiên) Cao Hữu Sung ra sức huy động binh lính và nhân dân củng cố các công trình phòng thủ để đề phòng bất trắc, xây thành đắp lũy ở các nơi, ở các tỉnh Hà Tiên, Biên Hòa, Gia Định bảo vệ các cửa sông quan yếu. Công việc đang tiến hành gấp rút thì hạm đội Pháp kéo tới nổ súng công phá Đà Nẵng, trắng trợn phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam. Âm mưu của chúng là đổ bộ chiếm lấy Đà Nẵng, rồi dùng làm căn cứ bàn đạp từ đó đánh thọc sâu vào kinh thành Huế buộc triều Nguyễn phải đầu hàng tại chỗ. Vận nước nguy nan, vua Tự Đức phải vội điều Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển từ Nam kỳ ra quân thứ Quảng Nam lo liệu việc chống giặc. Để chiến đấu lâu dài với giặc, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển đắp đồn Liên Trì kiên cố, lại cho đắp lũy dài dọc từ bờ biển vào phía trong để bao vây địch ngoài mé biển, chặn không cho chúng đi sâu vào nội địa. Đồng thời, thực hiện kế sách vườn không nhà trống, di dời dân vào bên trong, khỏi sa vào tay giặc để bị chúng lợi dụng. Giặc Pháp cứ mỗi lần đánh vào đều bị quân dân ta đánh bật trở lại, thiệt hại khá nặng, cuối cùng đành rút đại bộ phận quân lính kéo vào đánh Gia Định.
Ngày 17/2/1859, thành Gia Định bị quân Pháp chiếm đóng, vua Tự Đức lại cử Nguyễn Tri Phương giữ chức Thống đốc quân vụ vào Nam chỉ huy quân thứ Gia Định để lo việc đánh Pháp. Theo đề nghị của Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển cũng được điều động và giữ chức Tham tán quân thứ Gia Định cùng Nguyễn Tri Phương mưu việc chống đánh giặc Pháp. Như vậy là giữa Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển đã từng cộng tác với nhau trong nhiều thời kỳ nên có sự tâm đầu ý hợp. Trong tờ tấu của Nguyễn Tri Phương có câu: “Tham tán cũ là Phạm Thế Hiển, người ấy có kiến thức, đảm lược, có thể giúp chỗ tôi không nghĩ đến”. Chính vua Tự Đức cũng nhận thấy điều đó nên đã liên tiếp điều động hai ông cùng đi, hết miền Nam ra miền Trung, từ Gia Định ra Đà Nẵng, rồi lại trở về Gia Định. Cả hai ông đều thống nhất ý kiến “đánh là tiện hơn cả”.
Đầu năm 1860, Phạm Thế Hiển được triều đình cho về quê thăm mẹ ốm, nhân đó ông đã có cuộc hội ngộ với những người bạn đồng chí hướng ở quê, trong đó có Tiến sĩ Doãn Khuê người Ngoại Lãng, nay thuộc huyện Vũ Thư; Cử nhân Phạm Huy Quang người làng Phù Lưu, nay thuộc huyện Đông Hưng; Hoàng giáp Phạm Văn Nghị quê làng Tam Đăng, nay thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cùng bàn mưu vận động văn thân sĩ phu ngoài Bắc dâng biểu xin triều đình không “nghị hòa”. Ngay sau cuộc hội ngộ đó, Phạm Văn Nghị đang giữ chức Đốc học tỉnh Nam Định đã tình nguyện dẫn đầu một đoàn nghĩa dũng 365 người gồm chủ yếu là nho sinh và một số văn thân, sĩ phu Bắc Hà, trong đó có nhiều người quê Thái Bình lên đường Nam tiến xin được đánh giặc, cứu nước.
Tuy nhiên, do thế và lực không cân bằng, bất chấp mọi cố gắng của Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển trong việc củng cố đồn lũy, tăng cường quân binh, giặc Pháp với lực lượng ngày càng tập trung, vũ khí ngày càng lợi hại, đã đánh chiếm được Đại đồn Chí Hòa là căn cứ chính của quân triều đình vào ngày 25/2/1861. Trong trận chiến đấu này, Thống đốc Nguyễn Tri Phương bị thương, một mình Phạm Thế Hiển phải lo đốc chiến. Trước thế mạnh của giặc, ông đành phải cho quan quân lui về chợ thôn Tân Phú tạm nghỉ, sau đó rút về đóng ở Biên Hòa để củng cố lực lượng, chuẩn bị tiếp tục đánh giặc Pháp. Tin Đại đồn thất thủ về tới Kinh đô Huế, vua Tự Đức triệu tập gấp Phạm Thế Hiển về báo cáo tình hình, nhưng tới Phú Yên ông ngã bệnh nặng, phục thuốc mãi không khỏi, đến ngày 11 tháng 7 năm Tân Dậu (8-1861) thì mất. Linh cữu được đưa về chôn cất tại quê nhà Luyến Khuyết (Thái Thụy).
Sau Doãn Uẩn người làng Ngoại Lãng, Phạm Thế Hiển là người Thái Bình thứ hai có công lớn xây dựng và bảo vệ vùng đất phía Nam của Tổ quốc. Trên đường linh cữu chuyển về quê, tỉnh thần và quân thứ các tỉnh đều ra nghênh đón, tế lễ tỏ lòng tôn kính. Văn thân tỉnh Phú Yên nơi ông mất có đôi câu đối kính viếng hương hồn vị danh tướng, đã nói về điều này:
“Đà Nẵng trạch Hải Vân nam, vũ bất tích tử, văn bất ái tiền, thiên hạ thái bình tương hữu nhất,
Ngoại Lãng tiền, Luyến Khuyết hậu, thần năng thần trung, tử năng tử hiếu, anh hùng khí khái lẫm như sinh”.
(Trấn cửa Đà Nẵng phía nam Hải Vân, làm quan võ không sợ chết, làm quan văn không tham tiền, lòng chỉ mong cho thiên hạ thái bình;
Gương trước có Ngoại Lãng, sau có Luyến Khuyết, làm tôi thì trung, làm con thì hiếu, khí khái anh hùng lẫm liệt, khi chết cũng như lúc còn sống).
Nhà lưu niệm Phạm Thế Hiển (gồm phần mộ và từ đường) đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Cho đến nay, tại thành phố Hà Nội và hầu hết các thành phố phía Nam cùng một số thành phố ở phía Bắc đều có đường phố mang tên Phạm Thế Hiển. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có đường phố Phạm Thế Hiển được đặt tên từ năm 1955, đến nay đã trở thành một đại lộ chạy dài trên địa bàn các phường của quận 8, từ cầu Rạch Ông đến đường Ba Tơ. Đó chính là niềm tự hào của người Thái Bình về một người con đã để lại nhiều công tích ở dải đất phương Nam của Tổ quốc.
Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)
Tin cùng chuyên mục
- Đưa múa rối nước đến gần hơn với thế hệ trẻ 16.03.2025 | 09:59 AM
- Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Học tập suốt đời” 13.03.2025 | 09:44 AM
- Thành phố: 133 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2024 - 2025 17.12.2024 | 16:12 PM
- Tiền Hải: Khánh thành nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại xã Vân Trường 16.12.2024 | 17:56 PM
- Thành phố: Hơn 400 hộ dân được chi trả tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng 08.11.2024 | 16:16 PM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- Hội thảo khoa học: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh 07.10.2024 | 17:12 PM
- Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 16.09.2024 | 17:13 PM
- Bắt giữ tàu khai thác cát trái phép trên sông Hóa 30.08.2024 | 15:32 PM
Xem tin theo ngày
-
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất cao với nội dung Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với số phiếu tuyệt đối 100%
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, kỳ họp thứ 42
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về hợp nhất hai tỉnh
- Gặp mặt cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khoá XVII
- Tập huấn về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý
- UBND tỉnh: Làm việc với Tổng công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV GAS) về phương án cấp khí LNG trên địa bàn tỉnh
- Giới thiệu cuốn sách “Đỗ Ngọc Quán - Người cộng sản trung kiên”