Thứ 2, 21/04/2025, 01:30[GMT+7]

Cơm bếp rơm, thơm mùi ký ức

Thứ 2, 14/04/2025 | 09:23:03
315 lượt xem
Chiều cuối tuần, tôi thu xếp thời gian về thăm mẹ. Vừa về đến cổng, mùi khói cay nồng xộc thẳng vào mũi, cái mùi quen thuộc, thân thương. Mẹ đang nhóm lửa trong gian bếp phụ. Tôi vội dừng xe, chạy ào vào ôm mẹ từ phía sau. Mẹ đang gẩy củi đun nước. Dưới ánh lửa bập bùng, hình ảnh tuổi thơ và những buổi nấu cơm bếp rơm hiện về rõ nét.

Ngày tôi còn nhỏ, mẹ cấy hàng mẫu ruộng, nên sau vườn lúc nào cũng có một cây rơm cao ngất. Tôi không thích việc rút rơm tí nào bởi đó là thử thách thực sự. Từng nẹn rơm được rút ra một cách khó nhọc cứ như một cuộc thi kéo co nhưng đó lại là việc bắt buộc trước khi vào bếp. Cứ đầy hai thúng là tôi có thể đun đủ ấm nước và nồi cơm. 

Ảnh minh họa

Mùa đông rét mướt, căn bếp luôn là nơi mà tôi muốn ở lại lâu nhất. Có khi nấu xong cơm từ lâu nhưng tôi vẫn cứ ngồi trong ấy cho ấm áp. Ngay cả con mèo, con chó của nhà tôi cũng luôn tụ về đây, nằm thu lu trong góc chứa rơm. Nhưng mùa hè, ngồi đun bếp rơm không khác gì một cuộc đọ sức. Hơi nóng hầm hập từ lửa bốc lên khiến da thịt rát bỏng, nhất là hai đầu gối. Mồ hôi túa ra, chảy thành dòng trên trán rồi xuống lưng. 

Thổi rơm nếp thích hơn rơm tẻ vì sợi rơm không những dài mà còn thơm, cháy rất đượm, ngọn lửa xanh đỏ nhảy múa. Dù thổi rơm nào thì khoảnh khắc chứng kiến những hạt thóc còn sót trong rơm bất ngờ nổ lách tách, bung thành những hạt nẻ trắng phau, giòn tan, thơm phức đều khiến tôi háo hức. Tôi nhặt lên, bỏ vào miệng nhai rôm rốp, cảm giác như được thần bếp ban tặng một món quà bất ngờ. Nếu đun nước chỉ cần châm rơm cho lửa cháy lớn rồi có thể thong dong nướng ngô, nướng khoai, thì nấu cơm lại cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận. Khi nghe tiếng sôi lục bục, tôi vội dập bớt lửa, mở nhẹ vung, rồi dùng đũa cả dài đảo đều từ trên xuống dưới, giúp gạo ngậm nước một cách trọn vẹn. Hơi nước bốc lên, mang theo hương thơm nồng nàn của gạo mới, ấm áp như một lời thủ thỉ của đồng quê. 

Có những ngày tôi lỡ tay đổ nhiều nước, mẹ dạy tôi chắt bớt đi để cơm không bị nhão. Đó cũng là lúc tôi được thưởng thức món nước cơm - thứ nước trắng như sữa, sánh mịn, ngọt dịu nơi đầu lưỡi. Nếu thêm chút đường, nó sẽ trở thành một thức uống tuyệt vời hơn bất kỳ loại sữa nào tôi từng biết. Sau khi chắt nước, tôi đậy vung lại, giữ lửa liu riu cho đến khi nồi cơm cạn hết nước. 

Giai đoạn cuối cùng là vùi nồi cơm vào tro nóng để ủ chín đều. Tôi dùng bay gỗ, khoét một hố nhỏ giữa lớp tro rực hồng, nhẹ nhàng đặt nồi xuống, rồi phủ toàn bộ lớp tro nóng vừa thổi lên trên, sau đó phủ tiếp lớp tro nguội để giữ nhiệt. Từng thao tác phải chính xác, bởi chỉ cần sơ sẩy, vung nồi trượt đi, tro sẽ dính hết vào cơm. 

Cơm, nước xong xuôi, tôi mới đi luộc rau hoặc nấu canh nếu như đó là món đơn giản. Chỉ chờ bố mẹ đi làm về là tôi xuống bếp bới cơm. Công đoạn này cũng đòi hỏi sự khéo léo không kém. Khi đó, tôi phải gạt thật chậm, nhẹ tay, dùng chổi quét hết tro trên vùng nồi rồi nhấc nồi lên đặt vào rế. Tôi nhớ cũng có đôi lần, đôi tay vụng về của tôi làm lệch vung, tro đổ hết vào cơm trắng, phủ kín lên từng hạt gạo bóng bẩy, khiến bữa cơm hôm đó bị thiếu hụt. Nhưng mẹ không hề trách mắng, chỉ bảo tôi xúc phần cơm lẫn tro đem đi rửa sạch sẽ, cho gà ăn rồi nấu thêm bún khô cho cả nhà đỡ đói. 

Giờ đây, dù có bao nhiêu loại nồi điện, nồi cao tần hiện đại, tôi vẫn tin rằng không gì có thể thay thế được hương vị cơm bếp rơm ngày ấy - thứ hương vị gói trọn tình yêu thương của mẹ cha, của đồng ruộng quê hương, của những tháng ngày vô tư lự, hồn nhiên. 

Mỗi khi về thăm mẹ, tôi vẫn thích ghé vào căn bếp cũ. Ngọn lửa bập bùng ngày nào vẫn còn đó, nhưng bếp rơm đã lùi xa vào miền ký ức. Có những thứ dù không còn hiện hữu, nhưng hơi ấm của nó vẫn âm ỉ cháy mãi trong lòng ta. Nhớ bếp rơm năm ấy, nhớ hương cơm dẻo thơm, ngọt lành.

Trà Đông

 (Thị trấn Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày