Thứ 3, 06/05/2025, 06:28[GMT+7]

Đề xuất Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân

Thứ 2, 05/05/2025 | 16:56:11
703 lượt xem
Tại dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân (thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) cho Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 5/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở hạt nhân

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật gồm 12 chương, 73 điều, (giảm 20 điều tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật năm 2008), bám sát 4 chính sách đã được Chính phủ nhất trí.

Cụ thể là các chính sách về thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Trong các nội dung được sửa đổi, hoàn thiện lần này có quy định bổ sung về chuyển đổi số trong hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân, ứng dụng năng lượng nguyên tử; nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo cũng chỉnh sửa, bổ sung quy định về an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân. Theo đó đưa ra các quy định về xây dựng, duy trì và tăng cường văn hóa an ninh tại cơ sở có nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân; thiết lập và duy trì các biện pháp an ninh nguồn phóng xạ tương ứng mức độ nguy hiểm mà nguồn phóng xạ gây ra; quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý tình huống phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về: trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở hạt nhân; yêu cầu đối với thiết kế; đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân; thẩm định công nghệ, an toàn bức xạ, an toàn và an ninh nhà máy điện hạt nhân; trách nhiệm giám sát an toàn và bảo đảm an ninh để phù hợp với Luật Xây dựng, Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, luật mẫu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và cơ chế đặc thù cho phát triển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Quang cảnh phiên họp tại hội trường chiều 5/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

So với Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, Chính phủ dự kiến bãi bỏ 25 thủ tục hành chính, tương ứng với mức giảm 32,9 %. Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) không quy định chi tiết về thủ tục hành chính mà giao cho Chính phủ quy định.

Ngoài ra, dự thảo Luật lược bỏ nội dung quy định về Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia; Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia; Quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Đáng chú ý, lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân (thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) cho Thủ tướng Chính phủ. Quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân.

Cần nghiên cứu, bổ sung chính sách liên quan đến kiểm soát chất thải phóng xạ

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ.

Về một số nội dung cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng, việc xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử quy định tại Điều 13 của dự thảo Luật là cần thiết, tuy nhiên cần xem xét lại tính phù hợp của quy định này đối với việc cho phép cá nhân, tổ chức đầu tư thành lập cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ bởi lo ngại về khả năng bảo đảm an toàn đối với các cơ sở này của cá nhân, tổ chức (trong đó có cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ). Đồng thời, cần làm rõ lĩnh vực nào được xã hội hóa thay vì tất cả các lĩnh vực.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, cơ quan thẩm tra thấy rằng cần bổ sung quy định việc phê duyệt thiết kế đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Điều 30 của dự thảo Luật.

Cụ thể, thiết kế nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải được Cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác thẩm định và phê duyệt, trong đó có tính đến các yêu cầu đặc thù của Việt Nam; Chính phủ quy định cơ quan có thẩm quyền thực hiện thẩm định công tác này.

Trường hợp nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do các cơ quan chuyên môn của Việt Nam tự thiết kế thì cần bổ sung quy định về việc tuân thủ yêu cầu về an toàn và an ninh hạt nhân của IAEA.

Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể cơ quan thẩm định, trình tự thủ tục đối với việc thẩm định thiết kế từ giai đoạn thiết kế sơ bộ, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công chi tiết… và nên có điều luật cụ thể về giấy phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân tương ứng với từng giai đoạn xây dựng để thuận tiện cho việc thực hiện trình tự các thủ tục pháp lý cũng như giám sát của các cơ quan liên quan.

Về thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân, đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với phương án như Chính phủ trình, quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư công; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan để tạo cơ chế linh hoạt, chủ động và đẩy nhanh tiến độ trong việc triển khai các dự án nhà máy điện hạt nhân; đồng thời, cũng phù hợp với chủ trương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ hệ thống pháp luật để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi cũng như đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn bức xạ và hạt nhân.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách liên quan đến việc kiểm soát các chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ trong phế liệu và các nguồn khác nhập khẩu, tạm nhập tái xuất để bảo đảm đầy đủ, khả thi và phù hợp.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày