Thứ 2, 07/04/2025, 05:17[GMT+7]

Hội nghị Thượng đỉnh Trung Á - EU: Điểm khởi đầu cho chương hợp tác mới

Chủ nhật, 06/04/2025 | 07:39:18
970 lượt xem
5 quốc gia Trung Á và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố quan hệ đối tác chiến lược tại Hội nghị Thượng đỉnh vừa diễn ra tại Samarkand (Uzbekistan).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh Trung Á - EU ngày 4-4. Ảnh: Ursula von der Leyen/X

Giới phân tích nhận định, sự kiện này như một cánh cổng dẫn đến những cơ hội hợp tác tiềm năng giữa hai khu vực, trong bối cảnh động lực toàn cầu đang thay đổi. 

Diễn ra trong hai ngày 3 và 4-4 tại Samarkand (Uzbekistan), Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và các nhà lãnh đạo Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã thảo luận về cách thức thúc đẩy thương mại cũng như các mối quan hệ khác. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với luật pháp quốc tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, nhấn mạnh giải quyết xung đột một cách hòa bình, đồng thời nhất trí khởi động đối thoại về chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tập trung vào các lĩnh vực an ninh mạng, kiểm soát biên giới...

Như một khởi đầu thuận lợi cho chương hợp tác mới, EU đã đưa ra gói đầu tư trị giá 12 tỷ euro (13,2 tỷ USD) cho Trung Á theo chương trình Cổng thông tin toàn cầu. “Trung Á có một phần đáng kể trữ lượng khoáng sản toàn cầu và châu Âu muốn đưa ra một lời đề nghị công bằng và đặc biệt. Là đối tác, chúng tôi muốn xây dựng chuỗi giá trị địa phương cho các khoáng sản quan trọng. Điều này có nghĩa là giá trị được tạo ra trong khu vực sẽ ở lại đây và tạo ra nhiều việc làm. Bởi vì chúng tôi nghĩ rằng khi các đối tác của chúng tôi phát triển, châu Âu cũng phát triển”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh Trung Á - EU.

Động thái này vừa cho thấy tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Trung Á, vừa phản ánh mong muốn của EU trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và toàn diện hơn. Về phần mình, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev đã nêu bật những thành tựu trong quan hệ hợp tác giữa hai khu vực và nhấn mạnh, hội nghị là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới trong sự phát triển của mối quan hệ đa phương.

Những năm gần đây, quan hệ giữa EU và Trung Á đã từng bước được cải thiện. EU thông qua chiến lược về khu vực Trung Á năm 2007. Đến năm 2023, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã đến khu vực này trong các chuyến thăm cấp Nhà nước với mong muốn tận dụng cơ hội kinh tế và chính trị mở ra sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Sự tham gia của Lục địa già càng được thúc đẩy sau khi Mỹ thu hẹp sức ảnh hưởng tại Trung Á. Từ tháng 1-2025, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt giảm đáng kể nguồn tài trợ nước ngoài cũng như chương trình phát triển của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khiến khu vực này trở thành một "sân khấu" quan trọng của sự cạnh tranh và hợp tác giữa các cường quốc toàn cầu.

Sự quan tâm ngày càng tăng của EU đối với Trung Á bởi nhu cầu bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng mới và tiếp cận các khoáng sản quan trọng, qua đó thoát khỏi sự phụ thuộc truyền thống vào Mátxcơva. Đặc biệt, Trung Á có trữ lượng hydrocarbon lớn nhất thế giới và nhiều nguyên liệu thô quan trọng. EU sẽ sắp xếp lại nội bộ, hình thành một khối thống nhất, tạo điều kiện cho các thỏa thuận đa phương về năng lượng, môi trường và an ninh với khu vực này.

Ở góc nhìn khác, các quốc gia Trung Á đã có những bước tiến đáng kể hướng tới sự thống nhất. Ngày 31-3 vừa qua, Tổng thống Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan đã ký Tuyên bố Khujand, hoàn thiện việc phân định biên giới và khẳng định thời kỳ mới của tình hữu nghị khu vực. Trung Á đang cố gắng khẳng định vai trò của mình như một tác nhân tự chủ và chiến lược. Các nước trong khu vực đang áp dụng chính sách đối ngoại đa hướng, cân bằng quan hệ với Nga, Trung Quốc, EU… để tối đa hóa lợi ích quốc gia. Hội nghị Thượng đỉnh Samarkand và quan hệ đối tác EU đều là những biểu hiện của sự chuyển dịch này.

Nhìn một cách lạc quan, EU đang xây dựng quan hệ đối tác bền vững, lâu dài với các quốc gia Trung Á, trên cơ sở ưu tiên đa dạng hóa kinh tế và ổn định khu vực. Nỗ lực của EU bổ sung cho các mục tiêu phát triển của Trung Á thông qua các dự án chung về năng lượng, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Chính quyền các quốc gia Trung Á tích hợp các chính sách với khuôn khổ EU, qua đó có những cải thiện rõ rệt về quản trị, nhân quyền và khả năng phục hồi kinh tế. Quan hệ đối tác này củng cố sự hiện diện địa chính trị của EU như một đối trọng với ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc, định vị Trung Á là một thành tố chủ chốt trong thế giới đa cực.

Theo: hanoimoi.vn

  • Từ khóa