Từ 1/4/2025, cấp xã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) với tỷ lệ 96,03%.
Từ hôm nay (1/4), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 chính thức có hiệu lực thi hành. Luật có 9 chương và 72 điều, được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 với tỷ lệ tán thành 96,03%.
Luật tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch… tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 quy định ngắn gọn hơn, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy, cụ thể:
Luật chỉ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và văn bản liên tịch.
Giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương.
Với cách làm này, Luật chỉ quy định những vấn đề chung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do đó đã gọn hơn, với 72 điều (giảm 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã để bảo đảm thống nhất với nội dung đề xuất nêu tại đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật mà Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị.
Luật cũng bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để kịp thời giải quyết vướng mắc trong thực tiễn quản lý nhà nước và quy định giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Chính phủ, trong đó có việc quy định thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc khác với nghị định, nghị quyết hiện hành.
Với tinh thần mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một chủ thể chủ trì và chịu trách nhiệm, Luật phân định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội trong quy trình xây dựng pháp luật.
Theo đó, Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình; Quốc hội là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình. Cách làm này giúp bảo đảm chất lượng văn bản Luật và tạo thuận lợi trong khâu tổ chức thi hành, bảo đảm sự gắn kết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành Luật.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
Xem tin theo ngày
-
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
- Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy: Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ
- Tổng Bí thư Tô Lâm viếng đồng chí Khamtay Siphandone
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan
- Sinh hoạt chuyên đề "Phát huy tinh thần học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”
- Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam
- Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục tổ chức tốt Đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Armenia
- Tập đoàn ThaiBinh Seed đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, phát triển giống cây trồng
- Sắp xếp tổ chức quân sự địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới