Thứ 7, 10/05/2025, 04:47[GMT+7]

Nhiều khó khăn trong hoạt động quản lý, cung ứng thuốc

Thứ 3, 04/06/2013 | 07:43:23
1,145 lượt xem
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là các cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở kinh doanh thuốc thiếu vắng nguồn nhân lực được đào tạo về ngành dược.

Tủ thuốc Trạm Y tế xã Minh Lãng là địa chỉ cung ứng thuốc tin cậy của nhân dân địa phương.

Theo thống kê của Sở Y tế, toàn ngành đang quản lý 1.152 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc. Hệ thống kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc được củng cố và nâng cao tại các cơ sở y tế trong tỉnh. 100% đơn vị y tế có bộ phận quản lý chất lượng thuốc; công tác giám sát chất lượng thuốc được quan tâm ở các đơn vị cung ứng và sử dụng thuốc.

 

Bước đầu quan tâm nâng chất lượng sản xuất, cung ứng thuốc, toàn tỉnh hiện có 6/27 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc áp dụng đồng thời hệ thống quản lý chất lượng ISO và nguyên tắc tiêu chuẩn GPs (Thực hành tốt quản lý thuốc). Số nhà thuốc, đại lý thuốc áp dụng nguyên tắc GPs tăng hàng năm. Nếu như năm 2010 chỉ có 15 đơn vị sản xuất, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận GPs, năm 2011 con số này tăng lên 84, năm 2012 tăng lên 176. Ngành y tế phối hợp với các ngành chức năng triển khai các quy định về quản lý giá thuốc, tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc tập trung cho các cơ sở y tế công lập trong tỉnh theo đúng quy định. Năm 2012, công tác đấu thầu thuốc đi vào hoạt động quy củ, giá thuốc trúng thầu thấp hơn so với các tỉnh cùng khu vực. Năm 2012, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động hội đồng thuốc và điều trị tại bệnh viện, các cơ sở y tế cung ứng đầy đủ, kịp thời, bảo đảm chất lượng thuốc cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh…

 

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác quản lý, cung ứng, sử dụng thuốc còn có nhiều khó khăn, tồn tại. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là các cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở kinh doanh thuốc thiếu vắng nguồn nhân lực được đào tạo về ngành dược. Hiện tại, tổng số dược sĩ đại học làm việc trong tỉnh là 135 người; dược sĩ trung học là 724 người. Theo tính toán, Thái Bình mới đạt tỷ lệ 0,62 dược sĩ đại học/1 vạn dân (tỷ lệ toàn quốc là 1,5 dược sĩ/ 1vạn dân). Nhân lực dược sĩ đại học phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở Thành phố Thái Bình, còn tại các huyện, số lượng dược sĩ đại học rất hạn chế; một số bệnh viện trong thời gian dài chưa có dược sĩ đại học, nhiều bệnh viện không đủ số dược sĩ đại học theo quy định. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo quản thuốc, hóa chất, vật tư y tế.

 

Cũng do tình trạng thiếu nhân lực nên hoạt động tư vấn sử dụng thuốc hầu như chưa triển khai tại các cơ sở khám chữa bệnh. Ý thức chấp hành các quy định chuyên môn trong kinh doanh, cung ứng, sử dụng thuốc còn hạn chế, tình trạng vi phạm các quy định khi hành nghề dược còn xảy ra. Năm 2012, qua kiểm tra về kê khai, niêm yết công khai giá thuốc ở 126 cơ sở, phát hiện 42 cơ sở vi phạm; qua giám sát chất lượng thuốc, Sở Y tế đã chỉ đạo thực hiện 22 lượt thu hồi thuốc không đạt chất lượng. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đã tiến hành kiểm tra, giám sát 803 mẫu thuốc lưu thông trên thị trường, phát hiện 2 mẫu thuốc giả, 12 mẫu thuốc không đạt chất lượng chỉ tiêu công bố. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các ngành chức năng trong quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường thuốc chưa được thực hiện thường xuyên dẫn đến chưa xử lý triệt để các vi phạm về kinh doanh, cung ứng thuốc; công tác truyền thông về thuốc chưa được đầu tư hợp lý, còn xảy ra phổ biến tình trạng người dân tự ý dùng thuốc, dùng thuốc không theo chỉ dẫn…

 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, cung ứng, sử dụng thuốc, từ đầu năm 2013 đến nay, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tập trung khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực, quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại kiến thức chuyên môn về dược cho cán bộ; đồng thời thực hiện nghiêm các quy chế về dược, trong đó chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực của hội đồng thuốc và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, chú ý đến quy chế quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tăng cường hoạt động tư vấn, sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Đối với công tác đấu thầu thuốc, Sở Y tế tiếp tục thực hiện phương thức đấu thầu chung, triển khai áp dụng kết quả đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế theo kết quả lựa chọn nhà thầu của giám đốc Sở. Năm 2013, các đơn vị tổ chức cung ứng 1.443 danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ cho hoạt động chuyên môn (tăng 378 danh mục thuốc so với năm 2012).

 

Cùng với đó, Sở Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện xây dựng nhà thuốc, quầy thuốc bệnh viện đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc”; chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tiếp tục xây dựng phòng kiểm nghiệm thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm”, từng bước triển khai công tác kiểm nghiệm mỹ phẩm, thực phẩm. Trong công tác phối hợp liên ngành, Sở xây dựng kế hoạch tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý thuốc và thị trường thuốc trên địa bàn tỉnh thông qua việc thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, công khai giá thuốc ở các đơn vị khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc, chú trọng kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc ở những vùng xa nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng thuốc, góp phần ổn định thị trường thuốc trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Trần Thu Hương

 

  • Từ khóa