Thứ 3, 29/04/2025, 02:54[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Khai phá tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng

Thứ 2, 28/04/2025 | 09:13:33
598 lượt xem
Nằm về phía Đông Bắc tỉnh Thái Bình, huyện Quỳnh Phụ được hình thành, phát triển từ hàng nghìn năm trước với những giá trị văn hóa, lịch sử, con người vô cùng phong phú. Nhằm cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch được nêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện tập trung khai phá tiềm năng, phát huy thế mạnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực phát triển.

Đền Đồng Bằng, xã An Lễ là một trong những điểm thu hút đông đảo du khách thập phương.

Theo lời giới thiệu của bạn bè, giữa tháng 3/2025, ông Bùi Đình Thái, thành phố Nam Định đưa cả gia đình sang tham quan di tích lịch sử văn hóa (LSVH) đền Đồng Bằng, xã An Lễ. Ông Thái chia sẻ: Tôi được biết đây là nơi thờ Vua cha Bát Hải Động Đình, là một trong những điểm đến tâm linh rất nổi tiếng ở huyện Quỳnh Phụ. Đến đây, đi thăm, vãn cảnh, dâng hương, tôi không chỉ hiểu thêm về đền Đồng Bằng mà còn ấn tượng về phong cảnh, quy mô, sự linh thiêng và cách tổ chức, tiếp đón của Ban Quản lý di tích. Ngoài đền Đồng Bằng, gia đình tôi còn tham quan một số địa danh khác trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ như: khu di tích đình, đền, Bến Tượng A Sào; đền La Vân... Chắc chắn, tôi sẽ kể về các di tích LSVH của huyện Quỳnh Phụ cho người thân, bạn bè được biết và bản thân tôi cùng gia đình sẽ còn quay trở lại đây.

Toàn huyện Quỳnh Phụ hiện có 187 di tích với 77 chùa, 20 đền, 53 đình, 16 miếu và 21 từ đường; trong đó có 18 di tích LSVH cấp quốc gia, 98 di tích LSVH cấp tỉnh. Hệ thống di tích LSVH của huyện có số lượng lớn và phong phú, loại hình di tích rất đa dạng từ lưu lại các sự kiện lịch sử, đền thờ các nhân vật lịch sử, đến những di tích kiến trúc nghệ thuật; tiêu biểu như: khu di tích đình, đền, Bến Tượng A Sào, đền Đồng Bằng, đền La Vân, đền Lộng Khê, đình Hiệp Lực, đình Đông Linh... Theo danh mục kiểm kê, huyện Quỳnh Phụ có 118 lễ hội truyền thống, trong đó có 4 lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bà Bùi Thị Nhẫn, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Quỳnh Phụ cho biết: Du lịch tâm linh được xác định là loại hình du lịch chủ đạo của huyện. Ngoài ra, huyện Quỳnh Phụ cũng tập trung phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm, hướng du khách đến những hoạt động du lịch nông nghiệp. Tại một số địa phương trên địa bàn huyện có các điểm thu hút khách đến trải nghiệm, chụp ảnh theo mùa vụ như: hồ sen ở xã An Vũ, An Dục; hoa hướng dương ở xã An Khê, cây vải ở xã Quỳnh Minh.

Bên cạnh du lịch tâm linh, huyện Quỳnh Phụ cũng có nhiều điểm du lịch trải nghiệm.

Để phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, thời gian qua, huyện Quỳnh Phụ quan tâm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, Quỳnh Phụ còn tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, thân thiện với môi trường, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tạo bước đột phá trong du lịch và lan tỏa, thúc đẩy các ngành kinh tế khác, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu đến năm 2030, huyện Quỳnh Phụ phấn đấu đón trên 4,5 triệu lượt khách/năm, trong đó có khoảng 2.000 lượt khách quốc tế trở lên; phấn đấu có từ 1 - 2 khách sạn cao cấp hạng từ 3 sao trở lên; tổng số lượng phòng trong các cơ sở lưu trú đạt khoảng 700 phòng; giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động phục vụ du lịch; doanh thu từ du lịch ước đạt 200 tỷ đồng. Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, Quỳnh Phụ tập trung xây dựng, ban hành cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích, hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư về du lịch vào địa bàn huyện. Cùng với đó, Quỳnh Phụ cũng chú trọng tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cắt giảm thời gian, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai hiệu quả các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; tăng cường đầu tư theo phương thức đối tác công tư để huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển du lịch.

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, thời gian tới, huyện Quỳnh Phụ tích cực tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên hiểu được giá trị, ý nghĩa của các khu, điểm di tích LSVH trên địa bàn, từ đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Đỗ Hồng Gia