Thứ 2, 12/05/2025, 20:10[GMT+7]

Tên gọi xã, phường sau sáp nhập: Mang hồn cốt văn hóa và truyền thống Thái Bình

Thứ 2, 12/05/2025 | 15:42:05
463 lượt xem
Ngày 19/4/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Trong những ngày qua, cán bộ và nhân dân trong tỉnh sôi nổi tham gia ý kiến qua phiếu thăm dò được đưa đến từng hộ gia đình, trong đó việc đặt tên xã, phường sau khi sáp nhập. Có lẽ, hồn cốt văn hóa và truyền thống của quê hương chưa bao giờ được đông đảo các tầng lớp nhân dân Thái Bình hào hứng quan tâm đến thế.

Ảnh minh họa.

Tên gọi của làng xã vốn là tài sản tinh thần vô giá, gắn bó máu thịt và là niềm tự hào của mỗi người dân trong một cộng đồng. Tên của mỗi làng, mỗi xã đều mang đậm dấu ấn văn hóa làng, thể hiện ước vọng sự hòa hợp, yên ấm, hạnh phúc. Lịch sử địa danh làng xã ở Thái Bình cho thấy có khá nhiều trường hợp làng được lập đã có tên, sau đó dân đông, đất chật, dân làng đã khai khẩn mở rộng thêm đất đai, chia tách thành hai làng, nhưng dân vẫn cứ bó bện với nhau bằng tên làng gắn với phương hướng của làng. Ví dụ: làng Trà Đông thành Trà Xương Đông, Trà Xương Đoài (Trà Đông, Trà Đoài); làng An Tứ thành An Tứ Thượng, An Tứ Hạ; làng Thư Điền thành Nam Thư Điền, Bắc Thư Điền...  

Vào thuở trước, những làng có người hiển đạt, nổi danh thường gắn liền với danh dự của làng. Nhiều khi người ta biết đến tên làng qua những nhân vật lịch sử của một làng cụ thể. Ví như Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ quê làng Hải Triều thì người đương thời và hậu thế thường gọi là quan Trạng Hải Triều. Cũng như vậy, Bảng nhãn Lê Quý Đôn quê làng Diên Hà thường được tôn xưng là quan Bảng Diên Hà, Hoàng giáp Bùi Sĩ Tiêm người làng Kinh Lũ thường được tôn xưng là ông Nghè Kinh Lũ... Với những làng có nghề hoặc có sản vật nổi tiếng thì “thương hiệu” gắn với tên làng như chạm bạc Đồng Xâm, đúc đồng An Lộng, rèn sắt Cao Dương, cốm Nguyễn, ổi Bo, ró Tống Văn, khăn lụa Nguyễn, lụa Bộ La, là Sóc, đũi Ngọc Đường, hương Lai Triều, mắm Mèn... 

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thái Bình có hơn 800 làng là xã (thường gọi là làng xã) và hơn 100 làng tương đương với thôn (thường gọi là thôn làng). Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tên gọi và địa dư, địa giới hành chính cấp xã đã thay đổi để phù hợp từng giai đoạn cách mạng. Từ tháng 10/1947 xã mới ra đời từ nhiều xã, thôn gộp lại thành đại xã. Năm 1949, để phù hợp với kháng chiến và năng lực quản lý đã tách thành các xã nhỏ. Hầu hết làng xã dưới thời Nguyễn được gọi là thôn. Tên gọi các xã ở thời điểm đó được đặt theo địa danh lịch sử hoặc tên các chiến sĩ cộng sản, tên các danh nhân, anh hùng dân tộc, trong đó nhiều trường hợp họ tên đã được giản lược. Ví như: xã Thường Kiệt (Lý Thường Kiệt), xã Hưng Đạo (Trần Hưng Đạo), xã Quốc Tuấn (Trần Quốc Tuấn), xã Phạm Lễ (Phạm Đôn Lễ), xã Ái Quốc (Nguyễn Ái Quốc), xã Chí Minh (Hồ Chí Minh), xã Quang Lịch (Phạm Quang Lịch), xã Minh Khai (Nguyễn Thị Minh Khai)... Vào cuối năm 1949, trước khi quân Pháp đổ bộ xâm chiếm Thái Bình thì tỉnh có 12 huyện, 1 thị xã, 162 xã. 

Sau khi miền Bắc được giải phóng, vào tháng 2/1955 Thái Bình đã triển khai sắp xếp các xã theo hướng chia nhỏ. Tên gọi xã mới được các huyện đặt theo cách khác nhau. Các huyện Đông Quan, Quỳnh Côi, Thái Ninh, Thụy Anh, Vũ Tiên lấy chữ đầu của tên huyện làm chữ đầu của tên xã. Toàn bộ các xã của Phụ Dực có chữ An đứng đầu. Tiền Hải xác định các xã thành ba khu Đông, Tây, Nam, chữ đầu của tên xã là tên mỗi khu. Các huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Tiên Hưng, Thư Trì, Kiến Xương có nhiều cách đặt tên khác nhau. Vào năm 1955, Thái Bình có 12 huyện, 1 thị xã, 299 xã, 1 thị trấn. Từ năm 1955 - 1975, một số xã có thay đổi tên gọi, một số xã nhập lại. Năm 1969, thực hiện Quyết định số 93/CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới các huyện thì Thái Bình có 7 huyện, 1 thị xã, 285 xã, phường, thị trấn. Đến năm 2005, xã Bình Lăng (Hưng Hà) chia tách thành 2 xã Chi Lăng, Hòa Bình. Toàn tỉnh bấy giờ có 286 đơn vị hành chính cấp xã với tên gọi cơ bản không thay đổi nhiều. 

Mươi năm qua, đặc biệt là những năm 2020 - 2025, Thái Bình đã triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập xã theo quy định về dân số, diện tích của Chính phủ. Một số xã mới ra đời từ việc nhập hai hoặc ba xã cũ. Đa phần tên gọi của các xã mới sáp nhập vào những năm gần đây thường là ghép một chữ của những xã sáp nhập để thành tên mới. Ví như: xã Bạch Đằng sáp nhập với xã Hồng Giang thành xã Hồng Bạch; xã Thái An với xã Thái Tân thành xã An Tân; ba xã: Quỳnh Trang, Quỳnh Bảo, Quỳnh Xá nhập thành xã Trang Bảo Xá; ba xã: Liên Giang, An Châu, Đô Lương nhập thành xã Liên An Đô; ba xã: Phong Châu, Chương Dương, Hợp Tiếp nhập thành xã Phong Dương Tiến; ba xã: Đông Xuân, Đông Quang, Đông Động nhập thành xã Xuân Quang Động... Quả thật là, nếu xem xét về phương diện địa danh học thì việc đặt tên những xã mới những năm vừa qua có khá nhiều trường hợp bất cập về ngữ nghĩa, thậm chí có trường hợp đã làm tổn thương giá trị văn hóa của tên gọi. 

Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, kèm theo Danh sách dự kiến tên gọi các xã, phường và trung tâm chính trị - hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Theo danh sách dự kiến, toàn tỉnh sẽ có 65 đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể là: 

Thành phố Thái Bình có 5 phường: Thái Bình, Trần Hưng Đạo, Trần Lãm, Trà Lý, Vũ Phúc.

Huyện Thái Thụy có 11 xã: Thái Thụy, Thụy Anh, Đông Thụy Anh, Tây Thụy Anh, Bắc Thụy Anh, Nam Thụy Anh, Thái Ninh, Đông Thái Ninh, Tây Thái Ninh, Nam Thái Ninh, Bắc Thái Ninh. 

Huyện Tiền Hải có 8 xã: Tiền Hải, Đông Tiền Hải, Tây Tiền Hải, Nam Tiền Hải, Ái Quốc, Đồng Châu, Nam Cường, Hưng Phú. 

Huyện Quỳnh Phụ có 9 xã: Quỳnh Phụ, Minh Thọ, Nguyễn Du, Quỳnh An, Ngọc Lâm, Đồng Bằng, A Sào, Phụ Dực, Tân Tiến. 

Huyện Đông Hưng có 9 xã: Đông Hưng, Nam Đông Hưng, Bắc Đông Hưng, Tiên Hưng, Bắc Tiên Hưng, Nam Tiên Hưng, Đông Tiên Hưng, Đông Quan, Bắc Đông Quan. 

Huyện Hưng Hà có 8 xã: Hưng Hà, Tiên La, Lê Quý Đôn, Hồng Minh, Thần Khê, Diên Hà, Ngự Thiên, Long Hưng. 

Huyện Kiến Xương có 9 xã: Kiến Xương, Lê Lợi, Quang Lịch, Vũ Quý, Bình Định, Bình Thanh, Bình Nguyên, Trà Giang, Hồng Vũ. 

Huyện Vũ Thư có 6 xã: Vũ Thư, Thư Trì, Vũ Tiên, Thư Vũ, Tân Thuận, Vạn Xuân. 

Danh sách dự kiến tên gọi 65 đơn vị hành chính cấp xã cho thấy việc đặt tên lần này đã được nghiên cứu bài bản, công phu. Việc triển khai tuân thủ đúng hướng dẫn của Chính phủ, chú trọng hàng đầu yếu tố văn hóa, lịch sử truyền thống và nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân. Những xã ghép chữ từ hai xã với nhau chiếm tỷ lệ thấp. Mỗi huyện và thành phố Thái Bình có những sáng tạo riêng. Ví như Hưng Hà đã làm thức dậy các địa danh lịch sử: Ngự Tiên, Long Hưng, Diên Hà, Thần Khê… Quỳnh Phụ chú trọng những địa danh lịch sử gắn với du lịch văn hóa như Đồng Bằng, A Sào… Đông Hưng, Thái Thụy, Vũ Thư chọn các địa danh tên huyện cũ như Đông Quan, Tiên Hưng, Thái Ninh, Thụy Anh, Thư Trì, Vũ Tiên… Kiến Xương và thành phố Thái Bình tận dụng tối đa việc lấy tên một trong số xã, phường làm tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập. Tiền Hải ngoài việc giữ truyền thống đặt theo phương hướng còn là sự sáng tạo chọn các địa danh hướng tới phát triển du lịch như Đồng Châu, Nam Cường… 

Có thể khẳng định là dự kiến tên gọi các xã, phường sau sáp nhập về cơ bản đã mang hồn cốt văn hóa và những giá trị truyền thống mang tính cốt lõi của quê hương Thái Bình. Hẳn là, sau khi hợp nhất tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thì tên gọi của các phường, xã mới sẽ góp phần làm cho các giá trị truyền thống mang bản sắc Thái Bình không bao giờ phai nhạt. 

Nguyễn Thanh 

(Vũ Quý, Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày