Tiền Hải: Khẩn trương thau chua, rửa mặn cứu lúa xuân
Hộ dân thôn Lộc Ninh, xã Nam Hưng cấy dặm lại trên thửa ruộng có lúa bị chết do nhiễm mặn.
Tích cực cấy dặm trên diện tích lúa bị chết
Trong khi nhiều diện tích lúa xuân trên địa bàn huyện đang xanh tốt, đẻ nhánh rộ thì tại cánh đồng thôn Lộc Ninh, xã Nam Hưng lại bao phủ màu vàng của những thửa ruộng mới được cấy dặm. Có mặt tại đây chiều ngày 3/4, phóng viên ghi nhận nhiều thửa ruộng đang được người dân cấy dặm lại vì lúa chết do nhiễm chua mặn. Đang cặm cụi cấy dặm trên thửa ruộng của mình, ông Nguyễn Văn Sùng cho biết: Toàn bộ hơn 4 sào lúa của tôi bị chết do nhiễm chua mặn. Tiếc công làm đất, tôi tranh thủ mua lại mạ của người dân ở xã bên khi họ tỉa dặm còn thừa để về cấy lại. Đến nay tôi đã phải cấy dặm 2 lần trên thửa ruộng này, chi phí mua mạ cũng tốn cả triệu đồng.
Bên cạnh ruộng nhà ông Sùng là ruộng của bà Phạm Thị Biên cũng đang được gia đình cấy dặm. Có đến 2/3 diện tích lúa xuân của nhà bà bị chết do nhiễm chua mặn. Bà Biên cho biết: Sau khi gieo cấy được một thời gian, đến giữa tháng 3 tôi phát hiện trên ruộng có hiện tượng sủi bọt, bốc chua mặn, cây lúa khô héo, vàng đầu lá, bộ rễ kém phát triển, sau đó lúa bị chết. Tôi phải cấy dặm lại, đồng thời thường xuyên thay nước mặt ruộng để thau chua, rửa mặn.
Vụ xuân này, xã Nam Hưng gieo cấy 141ha. Bên cạnh một số diện tích lúa bị chết, toàn bộ diện tích còn lại đang phát triển tốt, trong giai đoạn đẻ nhánh. Theo ông Trần Văn Chiêm, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã: Từ cuối năm 2024 đến nay thời tiết hanh khô, lượng mưa ít, tình trạng bốc chua mặn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tại khu vực giáp ranh xã ven biển Nam Thịnh xuất hiện hiện tượng bốc chua mặn, gây chết lúa. Toàn xã có 5ha lúa xuân bị chết, 7ha bị ảnh hưởng. HTX đang tuyên truyền, đôn đốc người dân cấy dặm lại và thau chua, rửa mặn toàn bộ diện tích.
Điều tiết nguồn nước thau chua, rửa mặn
Vụ xuân này, huyện Tiền Hải gieo cấy hơn 9.700ha lúa; hiện lúa xuân đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, lúa gieo sạ đang giai đoạn 3 lá, đẻ nhánh. Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 3 đến nay thời tiết hanh khô kéo dài, nhiệt độ tăng cao, chua mặn bốc lên khiến một số diện tích sinh trưởng chậm, cây vàng đỏ, không ra rễ mới hoặc ra rất ít, tầng lá dưới bị rám, cục bộ có diện tích bị chết. Trước tình trạng trên, UBND huyện đã tổ chức họp với các ngành, đơn vị, địa phương để chỉ đạo công tác thau chua, rửa mặn bảo vệ lúa xuân.
Từ cuối tháng 3 đến nay, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với UBND, HTX SXKD DVNN các xã, thị trấn đóng, mở các cống, vận hành trạm bơm khẩn trương thay nước, thau chua, rửa mặn cho toàn bộ diện tích lúa xuân; kiểm tra chất lượng nước trên các sông trục, điều tiết nước phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của lúa. Ông Phạm Quang Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp cho biết: Trong các ngày 25, 26 và 28/3, Xí nghiệp đã mở 8 cống tiêu dưới đê, tiêu thoát nước trên hệ thống sông trục nội đồng; vận hành 4 trạm bơm tưới để bơm nước mới vào hệ thống phục vụ thau chua, rửa mặn và tưới cho toàn bộ diện tích lúa xuân. Hiện, Xí nghiệp vẫn tiếp tục điều tiết nước, kiểm tra độ mặn trên hệ thống để tránh lấy nguồn nước nhiễm mặn vào nội đồng.
Ông Trần Văn Chiêm, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Nam Hưng cho biết thêm: Hơn một tuần nay HTX phối hợp với Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện thực hiện 3 lần thau chua, rửa mặn toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng. Chỉ đạo tổ nông giang khơi thông dòng chảy trên các sông trục, hệ thống kênh mương, bảo đảm hiệu quả thau chua, rửa mặn. Với những diện tích lúa bị ảnh hưởng, HTX hướng dẫn người dân thay nước nhiều lần, thường xuyên kiểm tra độ mặn mặt ruộng; duy trì mực nước ruộng từ 3 - 5cm; bón lân 15 - 20kg/sào, kết hợp phun phân qua lá có hàm lượng lân cao giúp cây lúa phục hồi nhanh.
Để thau chua, rửa mặn hiệu quả, huyện Tiền Hải chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ lúa xuân; xây dựng phương án xử lý tình huống bất thuận trong sản xuất; dự tính, dự báo, phát hiện kịp thời đối tượng gây hại, chủ động phòng, trừ ngay từ đầu. Với diện tích lúa sinh trưởng bình thường, khuyến cáo người dân khi cây ra lá mới cần chăm bón, giữ mực nước ruộng 3 - 5cm, không để khô hạn.
Người dân xã Nam Hưng thường xuyên bơm nước thau chua, rửa mặn mặt ruộng.
Trần Tuấn
Tin cùng chuyên mục
- Gieo trồng cây màu vụ xuân đạt gần 98% kế hoạch 17.03.2025 | 16:46 PM
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Tăng cường công tác lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2025 09.01.2025 | 19:04 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
Xem tin theo ngày
-
Khai mạc lễ hội Tiên La
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Ủy ban về quan hệ liên dân tộc và kiều bào ở nước ngoài của Uzbekistan
- Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Chủ tịch IPU Tulia Ackson
- Lễ hội Tiên La: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Uzbekistan Tanzila Narbaeva
- Kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên
- Doanh nghiệp Thái Bình ứng phó thế nào với chính sách thuế quan mới của Mỹ ?
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan