Thành hoàng làng Miễu
Đình làng Miễu thờ nhị vị thành hoàng là An Hạ Đại Vương và Phu nhân Đàm Chiêu Trinh.
Những thư tịch cổ ghi chép rằng: cách đây hơn 1.000 năm, làng Miễu, hay người dân còn gọi chệch là làng Mưỡu; xưa kia là một vùng đất hoang vắng chưa có dấu chân người, thuộc địa phận thổ phụ Ninh Cường, hương Động Nhuế. Vào lúc bấy giờ, nơi đây cây cối um tùm, cỏ mọc rậm rạp trên một khoảng đất rộng 5 - 7ha. Đặc biệt nơi đây còn có một con sông uốn lượn, bao bọc xung quanh, khiến vùng đất như một ốc đảo, có tên gọi Khảm Giang.
Cho đến cuối thế kỳ XII, đầu thế kỷ XIII, thời cuối Lý – đầu Trần, có hai vợ chồng tên là An Hạ Đại Vương và Đàm Chiêu Trinh phu nhân cùng với gia quyến xin nhà vua về vùng đất này khai khẩn, lập ấp lập làng. Ông Phạm Thế Vịnh, Ban Quản lý di tích đình làng Miễu cho biết: Sử sách ghi chép lại, những ngày đầu về đây ông bà cho người đào sông, phát triển kinh tế, từ bãi sông đó, xây chợ tên là Hoa Thị, trên bến dưới thuyền. Bây giờ là chợ Trực Nội thuộc địa bàn xã Xuân Quang Động.
Đến thế kỷ XVII, thời vua Lê – Chúa Trịnh, năm 1697, niên hiệu Chính Hòa thứ 18, Hương Động Nhuế được đổi tên thành xã Hà Nội, sau là xã Trực Nội. Lúc bấy giờ, các dòng họ Đặng, Nguyễn, Trần, Hà, Vũ, Đào, Phạm tới vùng đất này sinh cơ lập nghiệp, trông coi mộ phần của An Hạ Đại Vương và Đàm Chiêu Trinh phu nhân. Từ đó chính thức lập làng, lấy tên là Miễu.
Các văn bia cổ làng Miễu có khắc thân thế và sự nghiệp của đức An Hạ Đại Vương và Đàm Chiêu Trinh phu nhân: Vào cuối triều Lý, An Hạ là tướng quân giỏi, được vua Lý Cao Tông rất tin yêu, phong cho tước hầu và được hoàng hậu Đàm Thị, mẹ của Thái tử Sảm (vua Lý Huệ Tông sau này) gả em gái là Đàm Chiêu Trinh cho. Đầu thế kỷ XIII, nhà Lý suy vong, nhà Trần thành lập. Bấy giờ, giặc Chiêm Thành quấy rối phía Nam, An Hạ hầu tướng được vua Trần giao cho đi đánh giặc và cho trấn giữ vùng Nghệ An, lập công và được phong là An Hạ vương. Khi tuổi cao, vua Trần đã cho ngài về quê trí sĩ, ban ấn chỉ và cho lập thái ấp, điền trang ở quê nhà gọi là trang ấp Hà Nội, làng Miễu.
Ngày 3 tháng 8 năm Mậu Thìn, niên hiệu Thiên Long năm 1268; ông và phu nhân cùng mất tại Nghệ An. Khi biết tin An Hạ vương mất, vua Trần Thái Tông đã cử người về quê truy niệm và lo hậu sự, truyền chỉ sắc phong của vua cho An Hạ vương là An Hạ Đại Vương, cho dựng bia đá ghi công muôn thuở. Còn Vương bà do có công lao giúp chồng là An Hạ Đại Vương phò vua giúp nước lại có đức hạnh lớn lao nên vua sắc phong Trinh Thục phu nhân. 10 năm sau, xét công trạng của hai ông bà, vua Trần Thái Tông đã ban chỉ đưa hài cốt các ngài về quê nhà ở làng Miễu, an táng tại thổ phụ Ninh Cường. Ông Đặng Văn Hàm, Ban Quản lý di tích đình làng Miễu cho biết: Trong quá trình trùng tu, tôn tạo đình, Ban Quản lý di tích có tìm kiếm, khảo cứu phần mộ của Nhị vị Thành Hoàng. Khi khai quật khu đất xác định là mộ phần thì thấy có 9 cây gỗ, 6 cây gỗ đặt dọc, 3 cây đặt ngang, vẫn còn nguyên vẹn. Bảo tàng tỉnh Thái Bình đã về khảo sát và bảo tồn, quy hoạch khu vực này. Ngày nay, người dân và con em của địa phương đi làm xa quê đã cùng phát tâm công đức để xây dựng khu lăng mộ cho các ngài được khang trang.
Miếu lăng bi ký, khắc ghi về thân thế và sự nghiệp, công trạng của đức An Hạ Đại Vương và Phu nhân Đàm Chiêu Trinh.
Đình làng Miễu – nơi thờ phụng Nhị vị Thành Hoàng là An Hạ Đại Vương và Đàm Chiêu Trinh phu nhân được khởi nguồn hình thành từ năm Mậu Dần – 1278, niên hiệu Bảo Phù. Trải qua nhiều thời gian, chiến tranh, thiên tai, đình làng đã được di chuyển vị trí và nhiều lần trùng tu tôn tạo.
Vào năm Thành Thái – 1869, đình được xây dựng trên nền đất cao, ven làng hướng Đông. Đình được xây dựng theo kiểu nội công, ngoại quốc. Kiến trúc đình làng theo kiểu nhà Nguyễn. Trên câu đầu của gian đại bái, khắc ghi ngày tôn tạo, dịch nghĩa là: Cất nóc ngày lành 18 tháng Chạp năm Bính Thân, niên hiệu Thành Thái thứ 8.
Bức đại tự ngay chính giữa tòa đại bái là “Hoàng Thiên Phái”. Ý chỉ vị Thành Hoàng ở đây là dòng phái của hoàng tộc. Với hệ thống đại tự, cuốn thư, câu đối bằng chữ Hán, đình làng Miễu còn lưu giữ được nhiều di vật cổ trong đó có chiếc lư hương, tương truyền có từ thời lập Miếu; sắc phong cho An Hạ Đại Vương, do vua Tự Đức ban cho vào năm thứ 6 – 1853 và sắc phong cho Đàm Chiêu Trinh phu nhân, do vua Khải Định ban cho vào năm thứ 2 – 1917.
Đặc biệt tại đình làng, người dân vẫn giữ được nguyên bản hai tấm bia đá: Miếu lăng bi ký, khắc ghi về: thân thế và sự nghiệp, công trạng của đức An Hạ Đại Vương và Đàm Chiêu Trinh phu nhân. Miếu thôn tạo thạch bi ký, dựng năm Chính Hòa thứ 18 - 1697, đời vua Lê Hy Tông, nội dung về quá trình hình thành và phát triển của làng Miễu.
Hàng năm, đình làng Miễu tổ chức hai lễ hội lớn. Lễ hội vào tháng Giêng là lễ hội rước sắc ngũ thôn gồm: Kênh, Quán, Miễu, Cộm, Nha. Đây là 5 thôn được nhà vua ban sắc phong cho thờ phụng An Hạ Đại Vương. Làng Miễu có lễ hội chính vào ngày 3/8 âm lịch, ngày giỗ Thánh, tưởng nhớ ơn công đức của Nhị vị Thành Hoàng. Ông Đặng Văn Sáu, Trưởng thôn Tô Hiệu, xã Xuân Quang Động cho biết: Đình làng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là cơ sở kháng chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây từng là địa chỉ sơ tán của bệnh viện tỉnh. Đình làng ngày nay là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong thôn và các vùng lân cận. Lễ hội hàng năm là dịp con em xa quê và du khách thập phương trở về để tưởng nhớ công lao của các vị Thành Hoàng với làng xã, quê hương.
Công lao của Nhị vị Thành Hoàng làng Miễu là đức An Hạ Đại Vương và Đàm Chiêu Trinh phu nhân đã được lưu danh trong sử sách, được các thế hệ người dân làng Miễu truyền lại cho con cháu đời sau gìn giữ và bảo tồn. Đó là phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt, tôn thờ những vị tiên công, những danh nhân có nhiều công lao với làng xã, với đất nước mà tiếng thơm còn lưu danh muôn thuở.
Lăng mộ của An Hạ Đại Vương và Phu nhân Đàm Chiêu Trinh đang được trùng tu, tôn tạo.
Khánh Giang
Tin cùng chuyên mục
- Vẹn nguyên ký ức một thời 29.04.2025 | 10:23 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 6: Thái Bình xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức 30.01.2025 | 11:19 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 5: Đảng bộ Thái Bình - những chặng đường vinh quang 30.01.2025 | 10:54 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 3: Thành tựu đổi mới đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới 27.01.2025 | 19:59 PM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 2: Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam 26.01.2025 | 09:45 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 1: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời – mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc 25.01.2025 | 17:24 PM
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
Xem tin theo ngày
-
Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh: 24 tập thể, cá nhân tiêu biểu được khen thưởng
- Kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh