“Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Ảnh minh họa.
Tôi đồ rằng, cái tên Ngô Xuân Diệu mà song thân nhà thơ tình tài hoa bậc nhất này đặt cho ông đã là một tín hiệu dự báo về khả năng cảm nhận kỳ diệu về mùa xuân tươi đẹp của tác giả “Vội vàng”:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn ngươi!
Điều tôi muốn nói ở đây là màu sắc mùa xuân mà Xuân Diệu cảm nhận được. Trên thế gian, có biết bao nhiêu màu nhỉ? Xanh, đỏ, tím, vàng, lục, lam, chàm, trắng... Vậy mà không hiểu sao ông hoàng của thơ tình Việt Nam lại chớp lấy cái màu hồng để ấn định ngay cho màu sắc mùa xuân. Theo tôi, màu sắc gắn với vẻ đẹp mùa đã có từ trong sâu thẳm tâm thức văn hóa từng dân tộc. Từ mấy trăm năm trước, cụ Nguyễn Du, trong Truyện Kiều đã viết bước đi chuyển mùa tài hoa bằng câu thơ đầy chuyển động về màu sắc: “Thưa hồng, rậm lục đã chừng xuân qua”. Vậy là màu hồng đã ứng vào nhan sắc mùa xuân, màu lục của lá báo hiệu cho mùa hè sắp đến. Có lẽ vậy chăng mà trong vô vàn màu sắc, Xuân Diệu thốt lên: “Xuân hồng”. Quả đúng vậy, có lẽ không có màu sắc nào đẹp và ám dụ hơn màu hồng đi với nàng xuân. Trước hết, mùa xuân đồng nghĩa với vui tươi, rực rỡ. Giữa đất trời ngày xuân, bao nhiêu sự vật phô ra màu sắc thắm hồng, tươi sáng. Trước đây, dây pháo hồng nổ đẹt đùng báo tết khiến lòng con trẻ vỡ òa vui thích chạy nhảy khắp đầu thôn cuối ngõ tìm trái pháo chưa kịp bén lửa đem về. Màu hồng trên má của các cô gái điểm trang khi mùa xuân đến, trái tim còn thẹn thùng đi đón chúa xuân xao xuyến với người yêu trên những dải đê làng. Màu hồng còn ngời lên qua chiếc phong bao rực rỡ lì xì cho con trẻ, khiến mắt chúng sáng lên niềm hạnh phúc vô cùng. Màu hồng thắm sắc xuân sang khi nhìn hai câu liễn đối treo giữa gian thờ thắp ngọn nến hồng tràn đầy phúc lộc qua niềm ước mơ gửi gắm của người đời. Đẹp nhất và rạng rỡ nhất là sắc hoa đào tô điểm trên đất Bắc khiến lòng người bâng khuâng nghĩ đến một màu hoa đào phảng phất trong tác phẩm “Ông đồ” của Vũ Đình Liên: “Năm nay đào lại nở/không thấy ông đồ xưa/những người muôn năm cũ/hồn ở đâu bây giờ?”.
Quả là Xuân Diệu có lý quá chừng khi muốn “cắn” vào xuân trời đất, vồ vập cho bằng được hương sắc thanh tân của vũ trụ vô cùng mà đời người hữu hạn khó cầm mãi. Đâu phải chỉ có chừng ấy sắc hồng gắn với mùa xuân vừa kể trên thôi. Còn nhiều lắm lắm. Mọi sự vật cũng không giản đơn tồn tại với chính mình, diễn phô cái nội tại bản thân mà còn tương quan, đối sánh và bổ sung cho nhau, từ đó càng tôn thêm vẻ đẹp muôn hồng ngàn thắm chập chờn, mơn trớn trên cung đàn xuân tình tha thiết. Ngược về bạt ngàn biên giới phía Bắc, màu đào phai năm cánh mỏng tang đã không biết bao lần muốn thi sánh với má hồng của các cô gái người Dao, người Mông xinh đẹp. Chao ôi! Nhớ đến vô cùng câu thơ của một nhà thơ thời Đường viết rất hay về sự tương sánh ấy, hóa ra cả hai đều đẹp, hoa có cái đẹp của hoa, người có vẻ đẹp của người, bổ sung, luyến láy cho nhau mà làm nên vẻ đẹp đất trời khi xuân đến: “Năm qua trong cánh cổng này/màu hoa cùng với mặt ai ửng đào/năm nay người thấy đâu nào/hoa đào năm ngoái còn chào gió xuân”. Dù sao đi nữa, màu hoa đào với má hồng người trinh nữ, tất cả để rồi cũng phụng hiến cho con người thỏa mãn tâm hồn thẩm mỹ, thêm yêu thương và quý trọng cái đẹp, biết sống thanh cao, sẵn sàng dấn thân bảo vệ cho cái đẹp cuộc đời. Hạnh phúc thay cho nhà thơ Xuân Diệu tài hoa, khi chiêm cảm được vẻ đẹp nồng nàn trong muôn sắc hồng hòa điệu của nàng xuân, đã hồn nhiên thốt lên không ngần ngại: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”.
Khi ngồi viết những dòng này, tự tâm hồn tôi, mùa xuân muôn tía ngàn hồng lại đến. Rạo rực khắp đất trời những buổi sớm mai chơm chớm rét về, tình tôi vẫn nghe trong gió, trong hương đất và muôn mầm cây đang bật trào sự sống, lắng nghe một đóa xuân hồng đang khe khẽ cựa mình, hoài thai để chuẩn bị điểm tô cho bức đại trướng sắc hồng lung linh hiển hiện: xuân Mậu Tuất 2018.
Hồng Phương
Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk
Tin cùng chuyên mục
- Chung kết cuộc thi "Em yêu làn điệu dân ca" học sinh phổ thông tỉnh Thái Bình năm 2025 07.04.2025 | 07:17 AM
- Vun đắp đam mê nghệ thuật truyền thống lứa tuổi học sinh 05.04.2025 | 15:54 PM
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
Xem tin theo ngày
-
Ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2030
- Công an tỉnh Thái Bình giành giải nhất toàn đoàn hội thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vòng 2 - khu vực II
- Hội đồng chấp hành UNESCO thông qua quyết định khuyến nghị vinh danh nhà bác học Lê Quý Đôn
- UNESCO phê duyệt khuyến nghị kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân Lê Quý Đôn
- Thái Bình giới thiệu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và các tiềm năng hợp tác tại Pháp
- UBND tỉnh: Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ Pháp tại Việt Nam
- Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Thái Bình quyết tâm hoàn thành xây dựng, sửa chữa 100% công trình nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trước ngày 20/6
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Uzbekistan