Chủ nhật, 06/04/2025, 03:44[GMT+7]

Quốc hội triệu tập kỳ họp thứ 9 để sửa Hiến pháp, sáp nhập tỉnh

Thứ 7, 05/04/2025 | 16:15:36
603 lượt xem
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành công văn triệu tập kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc từ 5/5 để sửa Hiến pháp, quyết định sáp nhập tỉnh.

Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV vừa diễn ra hồi tháng 2 vừa qua.

Sửa Hiến pháp và quyết định sáp nhập tỉnh là 2 nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV được đề cập trong Công văn số 1244 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triệu tập kỳ họp được ban hành ngày 4/4.

Theo đó, kỳ họp thứ 9 sẽ khai mạc từ 5/5, chia thành 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 5/5 đến hết ngày 28/5; đợt 2 từ ngày 11/6 đến hết sáng 28/6.

Sửa 13 luật phục vụ sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện

Tại văn bản triệu tập kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến chương trình kỳ họp để xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh một số nội dung của kỳ họp.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Thứ hai, bổ sung trình Quốc hội xem xét, thông qua 13 dự án luật để tiếp tục phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gồm: luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); luật Thanh tra (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch; luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức TAND; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Viện KSND.

Ngoài ra, còn có luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, luật Công đoàn và luật Thanh niên; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính, luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, luật Tư pháp người chưa thành niên và luật Phá sản; luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Tố tụng hình sự.

Nội dung quan trọng nữa, là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia và ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Cùng đó là điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn ngân sách nhà nước; bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) và một số nội dung về tài chính, ngân sách nhà nước.

Bổ sung hàng chục luật, nghị quyết thông qua tại kỳ họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội cho bổ sung trình Quốc hội xem xét, thông qua 11 dự án, dự thảo quan trọng khác, gồm: luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Ngoài ra, còn có Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35 năm 2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trường hợp đủ điều kiện thì sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Cùng đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho rút 3 dự án khỏi chương trình kỳ họp thứ 9, gồm: luật Cấp, thoát nước; luật Quản lý phát triển đô thị; luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).

Đồng thời, đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 sang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ thứ 9 đối với 2 dự án: luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đối với dự án luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trường hợp quá trình thảo luận đạt được sự đồng thuận cao thì sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.


Theo: thanhnien.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày