Nguy cơ từ cắt giảm viện trợ quốc tế
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng cảnh báo việc Chính phủ Mỹ cắt giảm viện trợ nước ngoài có thể sẽ khiến thế giới “kém mạnh khỏe hơn, ít an toàn và ít thịnh vượng hơn”. (Nguồn: THX/TTXVN).
Vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) có nguồn gốc từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ban đầu nhằm mục đích tái thiết và hỗ trợ các nước đang phát triển.
Qua ODA, các nước phát triển cũng hồi báo phần nào sự giàu lên của mình dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân lực của các nước nghèo trong khoảng 100 năm trước chiến tranh.
Ủy ban Viện trợ phát triển (DAC) gồm 33 quốc gia cung cấp viện trợ lớn nhất, của OECD chính thức đưa ra khái niệm ODA vào năm 1969 để đo lường các khoản viện trợ.
Theo thời gian, khái niệm và mục tiêu của ODA đã phát triển, tập trung hơn vào hợp tác phát triển toàn diện và bền vững. Trong hơn 30 năm qua, các chương trình ODA có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia đang phát triển.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ và tỷ lệ đói nghèo cùng cực đã giảm một nửa. Các đối tác đa phương như Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) đã cứu sống hàng triệu người khỏi những căn bệnh truyền nhiễm như sốt rét, HIV, lao.
Các chương trình y tế và phát triển đem lại những lợi ích kinh tế to lớn, như với mỗi USD viện trợ hoạt động tiêm chủng cho trẻ em, các quốc gia đang phát triển sẽ được lợi 44 USD về mặt kinh tế.
Có đi có lại, khi viện trợ được sử dụng để giúp tăng thu nhập ở các nước đang phát triển, nó có thể tạo ra việc làm tại các nước cung cấp viện trợ. Trong 15 đối tác thương mại (mua hàng hóa và dịch vụ) hàng đầu của Mỹ, có tới 11 nước từng là nước nhận viện trợ.
Báo cáo của OECD nêu rõ, tổng ODA đạt 212,1 tỷ USD trong năm 2024, chiếm 0,33% Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của các nước DAC, giảm 7,1% so với năm 2023. OECD dự báo ODA sẽ tiếp tục giảm từ 9-17% trong năm 2025.
Trong năm 2024, viện trợ nhân đạo giảm 9,6%, còn 24,2 tỷ USD. Viện trợ cho người tị nạn giảm 17,3%, còn 27,8 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng ODA năm 2024, từ mức 14,6% năm 2023. ODA cho châu Phi còn 42 tỷ USD, giảm 1% so với năm 2023. Trong đó, ODA cho khu vực nam Sahara còn 36 tỷ USD, giảm 2%. ODA cho nhóm các nước kém phát triển nhất (LDC) còn 35 tỷ USD, giảm 3%.
Mỹ tiếp tục là nước cung cấp ODA lớn nhất với 63,3 tỷ USD, chiếm 30% tổng ODA năm 2024, tiếp theo là Đức 32,4 tỷ USD, Anh 18 tỷ USD, Nhật Bản 16,8 tỷ USD, Pháp 15,4 tỷ USD. Trong các nước thành viên DAC, có 10 nước tăng, 22 nước giảm ODA trong năm 2024. Chỉ có 4 nước vượt mục tiêu của Liên hợp quốc cung cấp ODA bằng 0,7% GNI là Đan Mạch, Luxembourg, Na Uy và Thụy Điển.
Chủ tịch DAC Carsten Staur cảnh báo, tình hình sẽ còn đáng lo ngại hơn, đó là một số nước tài trợ chính sẽ còn cắt giảm mạnh viện trợ trong những năm sắp tới. Những tháng gần đây, nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh và Pháp công bố cắt giảm ngân sách viện trợ nước ngoài.
Kể từ khi trở lại Nhà trắng vào tháng 1/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt giảm 92% tiền tài trợ cho chương trình ở nước ngoài từ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). USAID có ngân sách hằng năm là 42,8 tỷ USD, chiếm 42% ODA của thế giới.
ODA đang được rót vào những nơi cần nhất, đó là những nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. ODA cũng được ưu tiên cho các chương trình xóa đói nghèo, chuyển đổi xanh và nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
Nếu không có viện trợ, tình trạng đói nghèo và bất ổn gia tăng ở các nước LDC và các nước đang phát triển có thể cuốn các nước phát triển vào các cuộc xung đột ở những khu vực rất xa và đưa bất ổn lan tới biên giới của chính các nước phát triển dưới hình thức các cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn như đang diễn ra ở Bắc Mỹ, châu Âu, hoặc dịch bệnh như đại dịch Covid-19.
Trong một thế giới toàn cầu hóa mạnh mẽ, tất cả quốc gia chung sống trong “ngôi làng toàn cầu” mà sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ, không thể “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Vì thế, Chủ tịch DAC Carsten Staur thúc giục các nước thành viên chặn lại xu hướng cắt giảm viện trợ phát triển.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
-
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất cao với nội dung Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với số phiếu tuyệt đối 100%
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, kỳ họp thứ 42
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về hợp nhất hai tỉnh
- Gặp mặt cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khoá XVII
- Tập huấn về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý
- UBND tỉnh: Làm việc với Tổng công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV GAS) về phương án cấp khí LNG trên địa bàn tỉnh
- Giới thiệu cuốn sách “Đỗ Ngọc Quán - Người cộng sản trung kiên”