Thứ 7, 19/04/2025, 10:59[GMT+7]

Sức trẻ trong phong trào “Bình dân học vụ số” ở Thái Bình

Thứ 5, 17/04/2025 | 08:41:49
2,678 lượt xem
80 năm trước, phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, khát vọng tri thức và ý chí thoát khỏi mù chữ của nhân dân. Ngày nay, trong kỷ nguyên số, tinh thần ấy được kế thừa và phát huy thông qua phong trào “Bình dân học vụ số”. Tại Thái Bình, phong trào đang lan tỏa mạnh mẽ nhờ sức trẻ của thanh niên, góp phần phổ cập kiến thức, kỹ năng số tới mọi tầng lớp nhân dân.

Đoàn viên thanh niên xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm trên điện thoại thông minh.

Gieo mầm tri thức số đến từng người dân 

Tại xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ), những ngày này, màu áo xanh tình nguyện của đoàn viên, thanh niên xuất hiện đều đặn trên khắp các tuyến đường, thôn xóm. Họ đến từng hộ dân, kiên trì hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, đăng ký dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, hay truy cập các ứng dụng số phục vụ sản xuất, đời sống. Ông Cao Đức Nam, xã Quỳnh Hồng cho biết: Đoàn viên, thanh niên trong xã đến tận nhà phổ cập mã hóa số liệu, dữ liệu trong điện thoại để cập nhật các phần mềm chuyển đổi số. Người cao tuổi như tôi thấy tiện lợi và an toàn hơn trước rất nhiều và ngăn ngừa lừa đảo của xã hội qua mạng. Đối với ông Nguyễn Bá Vinh, xã Quỳnh Hồng việc tiếp cận chuyển đổi số trong thời đại 4.0 được nhiều người dân hưởng ứng. “Người dân chúng tôi rất ủng hộ, vì mọi thứ giờ nhanh gọn và an toàn hơn rất nhiều” - ông Vinh chia sẻ.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều người dân trong xã được đoàn viên, thanh niên hỗ trợ cài đặt các phần mềm trên nền tảng số. Tuy nhiên, với người lớn tuổi việc tiếp cận công nghệ số không hề dễ dàng. Anh Nguyễn Lâm Hùng, đoàn viên xã Quỳnh Hồng cho biết: Nhiều người cao tuổi ban đầu còn e ngại, nhưng khi được hướng dẫn tận tình, họ đã quen dần với việc tra cứu thông tin, thanh toán lệ phí, sử dụng VNeID… Hiện nay, hầu hết những người được hướng dẫn đều sử dụng thành thạo các thao tác phần mềm công nghệ số trên điện thoại thông minh. “Thời gian qua, Đoàn Thanh niên (ĐTN) xã Quỳnh Hồng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn sử dụng nền tảng số ở các nhà văn hóa thôn. Đặc biệt, ĐTN xã đã thành lập 10 đội hình thanh niên xung kích xuống từng thôn, đưa dịch vụ công quốc gia đến gần hơn với người dân. Tính đến nay, khoảng 30% người dân trong xã đã thành thạo sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, chúng tôi phấn đấu đến tháng 7/2025 đạt mốc 80%” - anh Nguyễn Trọng Việt, Bí thư ĐTN xã Quỳnh Hồng chia sẻ. 

Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ diễn ra tại các địa phương mà còn lan tỏa tới giảng đường. Tại Trường Đại học Thái Bình, gần 3.000 học sinh, sinh viên đang tích cực tham gia các chương trình tuyên truyền sử dụng mạng xã hội an toàn, phòng tránh tội phạm công nghệ cao. Chị Vũ Thị Thanh, Bí thư ĐTN Trường Đại học Thái Bình cho biết: Không chỉ có các buổi tuyên truyền của Tỉnh đoàn, chúng tôi còn tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề với sự tham gia của giảng viên ngành công nghệ thông tin, pháp luật. Những kiến thức đó giúp học sinh, sinh viên cảnh giác với các hình thức lừa đảo số ngày càng tinh vi. Qua đó, mỗi học sinh, sinh viên không chỉ được trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình mà còn trở thành “hạt nhân” lan tỏa thông tin tích cực tới bạn bè và người thân. 

Cầu nối đưa công nghệ số vào cuộc sống 

Toàn tỉnh hiện có gần 690 đội hình thanh niên xung kích “Bình dân học vụ số” với hơn 6.000 thành viên. Các đội thanh niên xung kích hoạt động tại 8/8 huyện, thành phố đảm nhận vai trò cầu nối giữa người dân và công nghệ số như: thực hiện hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, các thiết bị thông minh, mạng xã hội tránh bị lừa đảo số; nhận diện và phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số; sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số; tham gia các sàn thương mại điện tử; các kỹ năng bán hàng qua sàn thương mại điện tử; thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và các ứng dụng số khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; cách thanh toán không dùng tiền mặt, cách sử dụng các ứng dụng số khác phục vụ sản xuất, kinh doanh... Trong tháng thanh niên 2025, Tỉnh đoàn Thái Bình đã chỉ đạo ĐTN các huyện, thành phố tổ chức gần 200 lớp “Bình dân học vụ số”; chuyển sinh hoạt đoàn về nơi cư trú trên phần mềm quản lý đoàn viên cho hơn 50.000 đoàn viên; hơn 50% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hơn 70% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử... Anh Đào Nhật Duy, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Phong trào Tỉnh đoàn cho biết: Trong thời đại 4.0 hiện nay, phong trào “Bình dân học vụ số” là một thuật ngữ mới được sử dụng trong thời gian gần đây, phong trào nhằm phổ cập kiến thức số, kỹ năng số cho người dân, biến mỗi đoàn viên, thanh niên trở thành những tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền cho chính người thân trong gia đình của mình và cộng đồng xã hội. 

Mỗi đội hình thanh niên xung kích “Bình dân học vụ số” ở Thái Bình có từ 8 - 10 thành viên, trong đó có một cán bộ đoàn là công an xã. Các chiến sĩ tình nguyện hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, đồng thời giúp họ nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Anh Phạm Đình Chinh, Bí thư ĐTN xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) cho biết: Hiện chúng tôi đã triển khai tới 50% số hộ dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu trong tháng 4 này, toàn bộ các gia đình trên địa bàn sẽ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và sử dụng thành thạo, an toàn các phần mềm số. 

Dù đã đạt được nhiều thành tựu, phong trào “Bình dân học vụ số” ở Thái Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc duy trì lớp học và thu hút người dân tham gia đều đặn, đặc biệt là đối với những người đã lớn tuổi hoặc có điều kiện sống khó khăn. Tuy nhiên, sức trẻ từ các tình nguyện viên, đoàn viên, thanh niên vẫn luôn là nguồn động lực lớn giúp phong trào lan tỏa mạnh mẽ. Họ không chỉ mang đến kiến thức mà còn thổi một luồng gió mới vào công cuộc phổ cập kiến thức về nền tảng số cho người dân. Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Phụ cho biết: Chúng tôi đánh giá đây là một trong những phong trào cần huy động sức trẻ, phát huy tinh thần sáng tạo tuổi trẻ, chính vì thế chúng tôi thành lập các đội hình tình nguyện trực tiếp đến từng hộ dân để hướng dẫn không kể ngày đêm và các ngày thứ bảy, chủ nhật. Chính sức trẻ và sự chủ động là yếu tố giúp phong trào lan tỏa mạnh mẽ. 

“Bình dân học vụ số” tại Thái Bình không chỉ là một phong trào đơn thuần, mà còn là biểu tượng sống động của sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Với sự chung tay của thế hệ trẻ, phong trào đang từng bước đưa công nghệ đến gần hơn với cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội học tập, số hóa và phát triển bền vững. Anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình khẳng định: “Bình dân học vụ số” là cây cầu kết nối giữa truyền thống và tương lai, giữa khát vọng tri thức và thời đại 4.0. Trong thời gian tới, phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ triển khai cao điểm trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè với các mô hình tại địa phương, khu đông dân cư. Các lớp sẽ được tổ chức trong cộng đồng dân cư bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Mục tiêu đến cuối năm 2025 có trên 80% người dân Thái Bình được tiếp cận với lớp học “Bình dân học vụ số”. 

Phong trào “Bình dân học vụ số” ở Thái Bình đang tạo nên nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và tương lai, giữa sức trẻ và khát vọng chuyển đổi số. Với tinh thần tình nguyện và sáng tạo, thanh niên toàn tỉnh đang lan tỏa tri thức số đến từng người dân, góp phần xây dựng cộng đồng số hóa toàn diện và xã hội phát triển bền vững. 

Cán bộ Tỉnh đoàn trao đổi trực tiếp với học sinh, sinh viên Trường Đại học Thái Bình về phòng chống tội phạm công nghệ cao. 

Thanh Thủy