Thứ 3, 29/04/2025, 21:36[GMT+7]

Hành trình tri ân, kết nối lịch sử từ Thái Bình đến Thành phố mang tên Bác

Thứ 3, 29/04/2025 | 15:16:57
722 lượt xem
Thành phố Hồ Chí Minh những ngày tháng tư - nắng rực rỡ như thổi bừng miền ký ức. Từng con đường, góc phố, hàng cây như sống lại thời khắc lịch sử của dân tộc cách đây tròn nửa thế kỷ. Trong dòng người đổ về nơi đây để tưởng nhớ, tri ân và tự hào, đại diện những thế hệ người con quê lúa mang theo những ký ức, niềm tin và khát vọng đến với Thành phố mang tên Bác.

Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình tham quan khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh).

Vẹn nguyên cảm xúc 

Cách đây hơn 50 năm, những người lính quê lúa Thái Bình, mang trong mình trái tim yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập dân tộc và ý chí quật cường, đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Họ đã góp máu xương nơi tuyến lửa, viết nên những trang sử hào hùng, cùng cả dân tộc làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Nửa thế kỷ sau, trong trái tim họ, ký ức về những ngày tháng ấy vẫn vẹn nguyên... Chiến thắng ngày 30/4/1975 là khúc khải hoàn vang dội, khép lại một thời kỳ chiến tranh khốc liệt, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất và phát triển đất nước. Trong niềm vui vỡ òa ấy, có máu, có nước mắt và có cả niềm tin sắt son của người Thái Bình - từ những làng quê yên bình đến những chiến trường rực lửa. 

Với tinh thần “thóc thừa cân, quân vượt mức”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt” - Thái Bình đã trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1959 - 1975), Thái Bình đã tiễn đưa 178.114 thanh niên lên đường nhập ngũ, gia đình quân nhân đi B, đi C qua các năm (1966 - 1975) là 370.125 gia đình. Bộ đội Thái Bình bổ sung cho chiến trường nào, đơn vị nào, ở đâu cũng có ấn tượng, tình cảm tốt, nhiều người lập công xuất sắc. Đến năm 1978, đã có 26 người được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hầu hết các tỉnh miền Nam đều có thanh niên Thái Bình từng chiến đấu, bị thương, hy sinh. Tổng số liệt sĩ của Thái Bình trong kháng chiến chống Mỹ là 34.403 người. 

Dẫu chiến tranh đã lùi xa, song trong tâm trí của những người lính năm xưa, ký ức về những ngày chiến đấu hào hùng vẫn như mới hôm qua. Mỗi trận đánh, mỗi vùng đất, mỗi đồng đội đã hy sinh... tất cả như thước phim quay chậm, không thể phai nhòa. Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, nghẹn ngào chia sẻ: 9 giờ 30 phút sáng ngày 30/4/1975, tôi được giao nhiệm vụ cắm cờ trên đỉnh tháp nước trong trại Davis (sân bay Tân Sơn Nhất) bởi đây là điểm cao nhất, dễ báo tin chiến thắng cho quân và dân ta. Vinh dự hơn nữa sáng hôm sau (ngày 1/5/1975), tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ cắm lá cờ to hơn, mới hơn thay cho lá cờ do đồng chí Bùi Quang Thận cắm (do lá cờ này khổ nhỏ, đã bị sờn màu) trên nóc dinh Độc Lập. Khi ngọn cờ đỏ sao vàng tung bay giữa lòng Sài Gòn, giữa tiếng reo hò của quân dân, tôi cảm thấy tự hào vô cùng, nước mắt cứ trào ra không thể ngăn được. Khoảnh khắc ấy, tôi hiểu rằng máu xương của bao thế hệ cha anh đã không uổng phí. 

Cựu chiến binh Lê Viết Hùng, xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy bồi hồi nhớ lại: Thời điểm ấy chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh căn cứ Đồng Dù, sau bao thời gian chiến đấu gian khổ, chúng tôi đã làm chủ được Đồng Dù, mở đường cho quân giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập. Khi nghe được tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, lá cờ giải phóng tung bay trên dinh Độc Lập, chúng tôi như vỡ òa cảm xúc, đồng đội ôm chầm lấy nhau, khóc như những đứa trẻ. Bao hy sinh, gian khổ dường như được gột rửa trong khoảnh khắc đó. Chúng tôi biết rằng, từ giây phút đó, đất nước đã thực sự liền một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình tham quan Công viên Phần mềm Quang Trung.

Hành trình tri ân và khẳng định trách nhiệm thế hệ hôm nay 

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ngày cuối tháng 4/2025, tỉnh Thái Bình tổ chức đoàn đại biểu gồm các cựu chiến binh - những người trực tiếp góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 trở lại chiến trường xưa. Chuyến đi không chỉ là hành trình trở về với ký ức, trở về với đồng đội và những năm tháng không thể nào quên, là dịp để tri ân những người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, mà còn là hành trình kết nối lịch sử với hiện tại, nhắc nhở thế hệ hôm nay về trách nhiệm kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông. 

Đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng, Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đền Bến Dược; tham quan Bảo tàng Tôn Đức Thắng, dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi - những “địa chỉ đỏ” khắc ghi những trang sử oai hùng của quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình xúc động chia sẻ: Chuyến đi là dịp để các cựu chiến binh, cán bộ từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trở về nơi ghi dấu ký ức lịch sử; đồng thời là hoạt động tri ân có ý nghĩa sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đối với thế hệ cha anh đi trước nói chung, trong đó có những người con ưu tú đã trực tiếp góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 - một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. 

Hòa cùng không khí tri ân, các cựu chiến binh Thái Bình không khỏi xúc động khi chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác. Từ một vùng đất đổ nát sau chiến tranh, thành phố hôm nay đã vươn mình trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục hàng đầu cả nước, biểu tượng cho ý chí vươn lên và sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Cựu chiến binh Nguyễn Đình Lịch, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà xúc động chia sẻ: Sau 50 năm trở lại, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự thay đổi kỳ diệu của Thành phố Hồ Chí Minh. Những con đường rộng thênh thang, các tòa nhà chọc trời, khu đô thị hiện đại, tất cả đều phản ánh sự phát triển vượt bậc của thành phố, không chỉ về mặt cơ sở hạ tầng mà còn về chất lượng cuộc sống. Thành phố đã hòa nhịp cùng sự phát triển chung của thế giới, đạt được những thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục. 

50 năm đã trôi qua kể từ ngày toàn thắng mùa xuân năm 1975, nhưng tinh thần chiến thắng ấy vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Hành trình tri ân của các cựu chiến binh Thái Bình không chỉ là lời nhắc nhở sâu sắc về giá trị của hòa bình, độc lập, mà như lời nhắn gửi đến thế hệ hôm nay: hãy trân trọng quá khứ, biết ơn những người đã ngã xuống và tiếp nối truyền thống hào hùng bằng hành động cụ thể trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thượng tá Đào Hồng Dương, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Đây là hành trình đặc biệt có ý nghĩa sâu sắc với lực lượng vũ trang tỉnh. Chúng tôi đến đây để tưởng nhớ, tri ân, nhưng đồng thời cũng để khẳng định quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong giai đoạn mới. Truyền thống cách mạng chính là nền tảng tinh thần vững chắc để lực lượng vũ trang tỉnh Thái Bình tiếp tục rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Từ ký ức oai hùng của một thời hoa lửa, hành trình tri ân của đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình trong những ngày tháng tư lịch sử đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nhắc nhở thế hệ hôm nay về trách nhiệm giữ gìn và phát huy thành quả cách mạng. Đó không chỉ là sự tri ân, mà còn là khát vọng tiếp bước dựng xây, vì một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình chụp hình lưu niệm tại Đền Bến Dược.

Nguyễn Thơi