Thứ 4, 28/05/2025, 01:17[GMT+7]

Điều dưỡng - Những người “làm dâu trăm họ”

Thứ 2, 26/05/2025 | 08:58:37
2,254 lượt xem
Chiếm số đông trong nghề y, điều dưỡng là mắt xích quan trọng trong chăm sóc người bệnh và vận hành hệ thống y tế. Họ vừa phải thực hiện y lệnh của bác sĩ, vừa chăm sóc, theo dõi sát chỉ số sinh tồn của người bệnh. Trực tiếp tham gia nhiều khâu của quá trình khám chữa bệnh, điều dưỡng phải đối mặt với nhiều áp lực, thậm chí là những rủi ro trong nghề.

Hàng ngày, các điều dưỡng đi từng phòng tiêm, truyền, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc.

Những đêm trắng song hành cùng người bệnh 

Hơn 20 năm công tác trong nghề, công việc của điều dưỡng Trương Thị Ngát, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Kiến Xương là tiếp đón bệnh nhân, hướng dẫn người nhà làm thủ tục nhập viện, tiêm truyền và chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân nặng, làm hồ sơ bệnh án... Bệnh nhân trong Khoa Hồi sức cấp cứu chủ yếu là bệnh nhân nặng, nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, suy tim, xuất huyết tiêu hóa, đột quỵ... Trong những bệnh nhân ấy nhiều bệnh nhân cần được theo dõi sát chỉ số sinh tồn và chăm sóc toàn diện. Công việc đối mặt với nhiều tình huống căng thẳng, đòi hỏi điều dưỡng cần có sự chuyên nghiệp, bình tĩnh và khả năng làm việc dưới áp lực cao, đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác để cứu sống bệnh nhân và giúp họ vượt qua giai đoạn nguy kịch. 

Điều dưỡng Trương Thị Ngát chia sẻ: Hơn 20 năm trong nghề thì có 13 năm tôi làm ở Khoa Hồi sức cấp cứu. Khoa có 3 bác sĩ, 5 điều dưỡng nhưng có lúc phải chăm sóc, điều trị cho 35 bệnh nhân. Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân thường đã vất vả với bệnh nhân cấp cứu, hồi sức lại càng khó khăn, áp lực hơn nhiều. Vào ca trực, có lúc cán bộ, nhân viên y tế phải trắng đêm theo dõi diễn biến của người bệnh để có thể xử trí kịp thời khi bệnh nhân chuyển nặng. Tùy tình trạng từng bệnh nhân, điều dưỡng phải làm công việc hút đờm, hút dịch, cấp cứu khi bệnh nhân khó thở, phối hợp với bác sĩ thực hiện y lệnh thuốc... 

Không thường xuyên phải đối mặt với những ca bệnh mong manh giữa ranh giới sinh tử song công việc của điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Vân, Khoa Nội I, Bệnh viện Phổi Thái Bình lại có những khó khăn, vất vả và đặc thù riêng. Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ: 25 năm công tác trong nghề, tôi đã làm việc ở nhiều khoa, phòng trong Bệnh viện. Công việc ở mỗi vị trí lại có những khó khăn, áp lực khác nhau. Trong quá trình công tác, tôi gặp nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, bị dị ứng thuốc, tác dụng phụ của thuốc, sốc phản vệ hay ho ra máu sét đánh (tình trạng bệnh diễn biến đột ngột, nhanh như sét đánh, máu có thể ộc ra ồ ạt không cầm được). Lúc ấy, người điều dưỡng phải thường xuyên túc trực bên người bệnh, theo dõi sát diễn biến để xử trí ngay. Làm việc trong môi trường áp lực, điều trị bệnh truyền nhiễm nguy cơ lây nhiễm cao do thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây; một điều dưỡng phải chăm sóc 6 - 8 bệnh nhân/ ngày song chúng tôi vẫn luôn cố gắng, nỗ lực hết mình vì sức khỏe của người bệnh. 

Điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần Thái Bình chăm sóc cho người bệnh.

Buồn, vui trong nghề 

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn như tiêm truyền, hướng dẫn cho bệnh nhân uống thuốc..., với bệnh nhân nặng cần chăm sóc đặc biệt, việc ăn, ngủ, vệ sinh, tắm rửa, gội đầu đều do điều dưỡng thực hiện nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, bảo đảm môi trường sạch sẽ, yên tĩnh cho người bệnh. Tuy nhiên, chỉ cần sai sót nhỏ ở một khâu nào đó sẽ phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí bằng tính mạng của bệnh nhân. Khó khăn, áp lực là vậy song mỗi ca bệnh được cứu sống, người bệnh được điều trị khỏi, ổn định sức khỏe, nhận được lời cảm ơn, sự thấu hiểu của gia đình bệnh nhân về công việc hàng ngày là niềm vui, nguồn động lực lớn với cán bộ, nhân viên y tế. 

Bà Trương Thị Lựu, thị trấn Kiến Xương (Kiến Xương) cho biết: Có người nhà nằm viện, tôi mới thấy sự vất vả của nghề y. Họ phải chăm sóc nhiều bệnh nhân, có khi người nhà bệnh nhân gọi liên tục song các bác sĩ, điều dưỡng vẫn rất niềm nở, nhiệt tình, luôn đồng hành và sẵn sàng phục vụ người bệnh. 

Không chỉ vất vả về chuyên môn, đội ngũ điều dưỡng còn phải đối mặt với áp lực vô hình từ người nhà bệnh nhân. Trong quá trình công tác đã có nhiều bác sĩ, điều dưỡng bị bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mắng chửi, đe dọa, thậm chí là “tác động vật lý”. Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ thêm: Mỗi bệnh nhân mỗi tình trạng bệnh, tính cách khác nhau. Vì vậy, những người “làm dâu trăm họ” như chúng tôi phải khéo léo, ứng xử hài hòa trong giao tiếp. Trong quá trình chăm sóc, tùy theo tính cách của người bệnh để ứng xử. Thế nhưng, chính bản thân tôi cũng đã một số lần bị bệnh nhân phản ứng thái quá, quát mắng dù chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng khi bệnh nhân ho, khạc đờm cần bảo đảm vệ sinh, tránh lây nhiễm cho người khác. 

Ở khoa cấp cứu nơi được coi là khu vực “nóng” của các bệnh viện do số lượng bệnh nhân đông, nhiều bệnh nhân nặng, công việc căng thẳng và áp lực, việc bị người nhà bệnh nhân định tấn công, chửi mắng cũng không phải hiếm gặp. Với điều dưỡng Trương Thị Ngát đã có lần chị đã bị gia đình bệnh nhân gây áp lực. Điều dưỡng Trương Thị Ngát cho biết: Khi bệnh nhân vào đông, chúng tôi phải sàng lọc, phân loại, ưu tiên cấp cứu bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ người nhà mình bị nặng hơn, phải cấp cứu trước. Do đó, một số người đã có phản ứng gay gắt, có người còn dùng ghế gỗ định tấn công bác sĩ, nhân viên y tế trong khoa. Điều này khiến chúng tôi rất buồn vì bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chưa thấu hiểu, cảm thông cho những áp lực mà bác sĩ, điều dưỡng phải trải qua. 

Cuộc chiến giành lại sự sống cho người bệnh bao giờ cũng đầy áp lực và căng thẳng. Không ai mong muốn bệnh nhân của mình diễn biến nặng, rơi vào tình trạng xấu nhất. Vì thế, ở bất cứ cuộc chiến nào, bằng trách nhiệm của người thầy thuốc, các bác sĩ, nhân viên y tế cũng nỗ lực hết mình để giành giật lại sự sống cho người bệnh. Có những cuộc chiến, các bác sĩ, nhân viên y tế là người chiến thắng song cũng có những cuộc chiến họ là người thất bại. Họ rất mong nhận được sự chia sẻ, thấu hiểu và tin tưởng từ người bệnh, gia đình bệnh nhân để có thêm động lực gắn bó với nghề, làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc.

 Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Vân, khoa Nội I, Bệnh viện Phổi Thái Bình chăm sóc, điều trị cho 6 - 8 bệnh nhân/ngày.

Hoàng Lanh