Thứ 6, 16/05/2025, 16:08[GMT+7]

Thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật góp phần làm sạch môi trường

Thứ 6, 16/05/2025 | 08:40:04
454 lượt xem
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là những hợp chất độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm. Trong mỗi bao bì đựng thuốc sau khi sử dụng luôn tồn dư lượng thuốc nhất định, khi những hóa chất này ngấm vào đất sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc. Do đó, bao bì thuốc BVTV cần phải được thu gom, xử lý đúng quy định.

Xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) lắp đặt các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng.

Thời điểm này, lúa xuân đang trong giai đoạn làm đòng đến trỗ bông, cũng là cao điểm gây hại của sâu bệnh. Trước tình hình đó, người dân đã tập trung phòng, trừ bằng các loại thuốc BVTV. Tuy nhiên, đi cùng với đó là tình trạng bao bì thuốc bị vứt bừa bãi trên đồng ruộng vẫn diễn ra phổ biến. Ước tính, hàng năm, trên địa bàn tỉnh sử dụng hàng trăm tấn thuốc BVTV các loại, do vậy, lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng rất lớn. Hiện nay, các loại sâu bệnh hại lúa như sâu cuốn lá, rầy các loại, bệnh đạo ôn... ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật đòi hỏi phải phòng, trừ nhiều hơn nên số lượng thuốc BVTV hóa học sử dụng cũng ngày càng nhiều. Sau khi lấy thuốc sử dụng, vẫn còn tồn dư một lượng thuốc BVTV nhất định bám vào thành túi. Nếu bao, túi, lọ này bị vứt bừa bãi ra môi trường đồng ruộng, số thuốc dư đó bị khuếch tán vào không khí, nước tưới, nước mưa và thấm qua đất vào mạch nước ngầm, gây ô nhiễm trực tiếp hệ sinh thái. Trong khi đó, nhiều nông dân vẫn còn xem bao bì, vỏ chai đựng thuốc BVTV như các loại rác thải thông thường nên thường tiện tay vứt bỏ bừa bãi xuống kênh mương, bờ ruộng. Có người “cẩn thận” xử lý bằng cách tự đốt hoặc tiêu hủy theo cách chôn lấp thủ công cũng làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tập trung thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, cấp phát tài liệu về sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và lồng ghép việc hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Cùng với đó, ngành nông nghiệp và môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị - xã hội đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cũng như huy động các nguồn lực xã hội hóa mua sắm các bể chứa, xây dựng các mô hình thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV tại các cánh đồng.

Đến nay trên địa bàn tỉnh đã đưa vào sử dụng trên 4.500 bể chứa bao bì thuốc BVTV, từng bước thay đổi ý thức của người dân, tình trạng vứt bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng bừa bãi ra đồng ruộng đã giảm hẳn. Là vùng chuyên canh rau màu lớn của tỉnh, để hướng tới nền nông nghiệp bền vững, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) xây dựng các mô hình trồng rau an toàn. Với bao bì thuốc BVTV, xã xây dựng các bể chứa đặt tại các cánh đồng, hàng tháng giao cho các tổ thu gom, vận chuyển về bãi rác tập trung của xã. UBND xã cũng ký hợp đồng với công ty xử lý chất thải, định kỳ 3 tháng thu gom một lần. Ông Đào Văn Phụ, thôn An Phú 1 cho biết: Thói quen vứt chai lọ, bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng của nông dân, một phần do chưa hiểu hết tác hại lâu dài của rác BVTV đối với môi trường, một phần vì không có nơi tập kết. Sau khi địa phương lắp đặt các bể chứa, tôi cũng như người dân trong thôn, xã sau khi trừ sâu xong đều cẩn thận thu gom bao bì bỏ gọn vào túi nilon để đưa vào bể chứa.

Bên cạnh sự thay đổi trong ý thức người dân, việc ứng dụng công nghệ mới cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường. Việc sử dụng thiết bị bay không người lái trong việc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa đang được nông dân sử dụng ngày càng rộng rãi. Công nghệ này giúp nông dân phun thuốc một cách đồng loạt, hiệu quả, tiết kiệm đồng thời hạn chế tác động xấu tới môi trường. Sử dụng thiết bị bay cũng góp phần tạo thuận lợi trong việc thu gom bao bì thuốc BVTV.

Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT- BTNMT, ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng quy định, tối thiểu phải có 1 bể chứa trên diện tích 3ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc BVTV. Số lượng trên 4.500 bể chứa còn quá ít so với diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh hiện nay. Thời gian tới, ngành nông nghiệp và môi trường tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để các cấp lãnh đạo địa phương, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh nhận thức đầy đủ về tác hại của bao bì thuốc BVTV đến môi trường. Bố trí kinh phí xây dựng thêm các bể chứa, các khu vực lưu chứa và triển khai thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV qua sử dụng theo đúng quy định.

Trong mỗi bao bì đựng thuốc sau khi sử dụng luôn tồn dư lượng thuốc nhất định, khi những hóa chất này ngấm vào đất sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc.

Ngân Huyền